Bài thơ hiếm về liệt sĩ thiếu nhi

Or you want a quick look:

LƯỢM



Ngày Huế đổ máu,

[external_link_head]

Chú Hà Nội về,

Tình cờ chú cháu,

Gặp nhau Hàng Bè.

Chú bé loắt choắt,

Cái xắc xinh xinh,

Cái chân thoăn thoắt,

Cái đầu nghênh nghênh,

Ca-lô đội lệch,

Mồm huýt sáo vang,

Như con chim chích,

Nhảy trên đường vàng...

- "Cháu đi liên lạc,

Vui lắm chú à.

Ở đồn Mang Cá,

Thích hơn ở nhà!"

Cháu cười híp mí,

Má đỏ bồ quân:

- "Thôi, chào đồng chí!"

Cháu đi xa dần...

Cháu đi đường cháu,

[external_link offset=1]

Chú lên đường ra,

Ðến nay tháng Sáu,

Chợt nghe tin nhà.

Ra thế,

Lượm ơi!

Một hôm nào đó,

Như bao hôm nào,

Chú đồng chí nhỏ,

Bỏ thư vào bao,

Vụt qua mặt trận,

Ðạn bay vèo vèo,

Thư đề "Thượng khẩn",

Sợ chi hiểm nghèo!

Ðường quê vắng vẻ,

Lúa trổ đòng đòng,

Ca-lô chú bé,

Nhấp nhô trên đồng...

Bỗng lòe chớp đỏ,

Thôi rồi, Lượm ơi!

Chú đồng chí nhỏ,

Một dòng máu tươi!

Cháu nằm trên lúa,

Tay nắm chặt bông,

Lúa thơm mùi sữa,

Hồn bay giữa đồng.

Lượm ơi, còn không?

Chú bé loắt choắt,

Cái xắc xinh xinh,

Cái chân thoăn thoắt,

Cái đầu nghênh nghênh,

Ca-lô đội lệch,

Mồm huýt sáo vang,

Như con chim chích,

Nhảy trên đường vàng...

1949

[external_link offset=2]

(Thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục, 2003)

QĐND - Tố Hữu (1920 – 2002) là nhà thơ cách mạng hàng đầu của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Ngoài nhiệm vụ chính của người lãnh đạo văn hóa, văn nghệ… ông sáng tác thơ, để lại một di sản thi ca với 6 tập:  Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa Một tiếng đờn với tổng số xấp xỉ 250 bài thơ. Thơ ông là thơ cách mạng, đọc các tập thơ của ông, bạn đọc biết được từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam.  Lượm là bài thơ in trong tập Việt Bắc, tập thơ viết về 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thế kỷ 20 đặt lên vai dân tộc ta nhiệm vụ nặng nề là phải kháng chiến chống lại các thế lực xâm lược. Khi nước yếu, lạc hậu phải chống lại thế lực ngoại xâm hùng mạnh, muốn thắng lợi, chúng ta phải tổ chức cuộc kháng chiến toàn dân và toàn diện. Toàn diện là nhiều mặt, không chỉ quân sự mà còn kinh tế, ngoại giao… Toàn dân là mọi người cùng tham gia, không phân biệt giới tính, tuổi tác, đẳng cấp xã hội… Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xảy ra, không chỉ thanh niên lên đường nhập ngũ, mà có hàng ngàn em thiếu nhi gia nhập thiếu sinh quân, trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cuộc kháng chiến, có nhiều em đã tham gia các cuộc hành quân, chiến đấu cùng bộ đội. Tôi nhớ, hồi ấy trong ngày sinh của Bác Hồ, đã có em thiếu sinh quân làm thơ gửi Bác: “Bác Hồ ơi/ Cháu là em bé phương xa/ Theo anh vệ quốc xa nhà từ lâu/ Cháu qua sông Đuống, sông Cầu/ Phủ Thông, Đèo Khách, An Châu, Lũng Vài/ Qua bao vực thẳm núi dài/ Giúp anh vệ quốc đánh loài thực dân…”. Liên lạc là nhiệm vụ chính các em tham gia, bài thơ này giúp ta hiểu thêm công việc và ý nghĩ của các em khi gánh vác nhiệm vụ đó.

Bài thơ hiếm về liệt sĩ thiếu nhi

Minh họa: PHÙNG MINH.

Bài thơ là một câu chuyện về một em liên lạc tên Lượm. Nhà thơ Tố Hữu quê ở Thừa Thiên – Huế, nhưng trong cuộc chiến tranh chống Pháp, phần lớn thời gian ông ở chiến khu Việt Bắc. Trong cuộc kháng chiến đó, Thanh Nghệ Tĩnh là vùng tự do, nhưng Bình Trị Thiên khói lửa. “Ngày Huế đổ máu” tác giả nêu đầu bài thơ, cũng là khoảng đầu cuộc chiến tranh, tác giả về quê mình (chắc là vì nhiệm vụ) có gặp em Lượm liên lạc ở Hàng Bè, tin là một địa danh của Huế. Hình ảnh lanh lợi, nhí nhảnh, vui tươi của em được khắc họa trong trí nhớ:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh,

Thời kháng chiến chống Pháp, máy truyền tin của ta rất hiếm, phần lớn chỉ thị, mệnh lệnh đều do người chuyển tới. Người làm nhiệm vụ chuyển tin đó gọi là liên lạc. Thiếu nhi làm nhiệm vụ liên lạc có nhiều cái lợi: Các em đi từ nơi nọ đến nơi kia nhanh không kém người lớn, hơn nữa khi gặp nguy hiểm, như gặp địch, thì chỉ cần giấu tài liệu đi là được an toàn, không bị bắt như khi người lớn làm nhiệm vụ này gặp địch. Bởi vậy, thời chống Pháp, nhiều em thiếu nhi làm nhiệm vụ liên lạc trong các đơn vị của ta.

Nhiều bạn đọc ngày nay không hiểu cái xắc là gì trong câu “cái xắc xinh xinh”. Đó là loại túi may bằng vải hoặc đan bằng mây để đựng quần áo hoặc tài liệu, công văn. Trong bài thơ “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung, có câu : “Cái xắc mây anh mang/ Em nách mo cơm nếp”, thì cái xắc làm “chức năng” của chiếc ba lô. Còn “cái xắc xinh xinh” của Lượm, tin chắc có thêm chức năng đựng công văn, tài liệu để chuyển từ nơi gửi đến nơi nhận. Trong trí nhớ và dưới ngòi bút của Tố Hữu, hình ảnh Lượm thật sống động và cũng rất trẻ con:

"Cháu đi liên lạc

Vui lắm chú à.

Ở đồn Mang Cá,

Thích hơn ở nhà!".

Mang Cá là đồn do thực dân Pháp xây ở Huế, sau Cách mạng Tháng Tám, đó là nơi đóng quân của ta. Em Lượm làm nhiệm vụ liên lạc cũng ở trong đồn với các chú bộ đội, và cảm thấy “thích hơn ở nhà”, một sự so sánh hết sức trẻ con, chứng tỏ đồn Mang Cá là nơi đầu tiên cháu ở sau khi xa nhà. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà tác giả nhớ lại hình ảnh của Lượm trong lần gặp gỡ ấy, mà vì nghe tin nhà báo cháu Lượm đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chuyển lá thư “Thượng khẩn” đến nơi cần gửi. Các thư từ, công văn, mệnh lệnh… ngoài phong bì người ta thường ghi các chữ “Hỏa tốc”, “Thượng khẩn”… để cho người vận chuyển biết và chuyển tới nơi nhận một cách nhanh nhất, bất chấp hiểm nguy: “Thư đề “Thượng khẩn”/ Sợ chi hiểm nghèo”. Nhưng đó là chuyến công tác cuối cùng của Lượm, vì đạn giặc đã giết em khi đi ngang đồng. “Đường quê vắng vẻ/ Lúa trổ đòng đòng”, vắng vẻ nhưng không phải yên bình, có thể là sự vẳng vẻ của những trận phục kích, bởi thế nên “Ca lô chú bé/ Nhấp nhô trên đồng” là mục tiêu của súng giặc. Hình ảnh hy sinh của liệt sĩ thiếu nhi được nhà khắc họa bằng cả tấm lòng yêu thương:

Cháu nằm trên lúa,

Tay nắm chặt bông,

Lúa thơm mùi sữa,

Hồn bay giữa đồng.

Lúa mới trỗ còn thơm mùi sữa, là nơi Lượm kết thúc cuộc đời thơ trẻ của mình.

Lượm ơi còn không?

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh…

Có một số bạn đọc thắc mắc phần kết này của bài thơ vì nghĩ rằng tác giả đã biết Lượm hy sinh rồi, sao lại còn hỏi vậy. Thực chất đó không phải là một câu hỏi chờ câu trả lời, mà là một cách để nói rằng hình ảnh sống động của chú bé liên lạc vẫn in dấu trong lòng tác giả, không thể nào phai nhạt được.

Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, nhiều em nhỏ đã lập công và hy sinh, nhưng có lẽ đây là bài thơ hiếm hoi viết về liệt sĩ thiếu nhi. Về hình thức nghệ thuật, nhà thơ Tố Hữu thường viết các thể thơ truyền thống (thơ lục bát, thơ bảy, tám chữ, thơ năm chữ) và thể thơ tự do, nhưng đây là bài thơ có số chữ trong câu ngắn nhất, thơ bốn chữ. Không phải ngẫu nhiên, mà là sự chọn lựa có chủ ý của tác giả, nhằm để diễn tả sự lanh lợi, sinh động của chú bé liên lạc. Trong tập Từ ấy, Tố Hữu đã có một số thơ viết về trẻ em, như bài “Phước ơi”, “Hai đứa bé”… để nói tình cảm của mình với những đứa trẻ có cuộc đời bất hạnh, tác giả sử dụng thơ bảy, tám  chữ: “Rứa là hết chiều nay em đi mãi/ Còn mong chi ngày trở lại, Phước ơi…” hay: “Tôi không muốn mờ anh đi xa lạ/ Tìm đau thương trong xã hội điêu tàn…”. Nhưng với em bé liên lạc nhí nhảnh, thoắt đó, thoắt đây thì xem ra thể thơ bốn chữ  “đắc địa” hơn cả. Nhà thơ Tố Hữu là người có thói quen sửa chữa lại thơ mình khi đã in báo hoặc xuất bản thành sách. Bài thơ Lượm này ở lần in trước không phải giống hệt như thế này, cụ thể là không phải chỉ toàn thơ bốn chữ, nhưng qua nhiều lần sửa chữa, tác giả dừng lại thể thơ bốn chữ như trong văn bản chính thức có trong tập Việt Bắc ta từng quen biết.

VƯƠNG TRỌNG[external_footer]

See more articles in the category: Là ai
READ  Lưu trữ MIK Group

Leave a Reply