Bách Việt trùng cửu – nguồn http://my.opera.com/bachviet18/blog/

Đạo mẫu Tứ phủ của Việt Nam quan niệm thế giới chia làm 4 miền, Thiên phủ, Địa phủ, Nhạc phủ và Thoải phủ. Mỗi phủ đều có một vị mẫu cai quản cùng với công đồng các quan lớn, ông hoàng, chầu bà, cô, cậu, … Một trong các giá đồng này là Tam vị chúa Mường, gồm Chúa đệ nhất Tây Thiên, Chúa đệ nhị Nguyệt Hồ và Chúa đệ tam Lâm Thao. Phần lớn các sách hiện nay không cho rằng ba vị chúa Mường này thuộc hệ thống Tứ phủ một cách chính thức. Tuy nhiên đây lại là những giá đồng hay được thỉnh đến trong thực hành tín ngưỡng này và Tam vị chúa Mường được coi là thuộc Nhạc phủ.

Trên thực tế hiện nay thường thấy các thanh đồng thỉnh Mẫu Cửu Trùng trong ngôi của Chúa Mường đệ nhất Tây Thiên. Việc này khá lạ, cần được giải thích, vì Mẫu Cửu Trùng đã là mẫu của Thiên phủ, sao lại còn ở ngôi Chúa Tây Thiên?

Văn chầu Chúa đệ nhất Tây Thiên bắt đầu như sau: Dâng văn tam vị Chúa Mường Thỉnh Chúa đệ nhất Hùng vương ngự về Cổ triều Đinh, Lý, Trần,Lê Sắc phong thượng đẳng biển đề tối linh Tây Thiên,Tam Đảo địa linh Thạch Bàn, Chúa ngự cảnh thanh nhiệm mầu Nhang thơm thành kính quỳ tâu Tiếng dâng một bản văn chầu Chúa Tiên Chúa Bà đệ nhất Tây Thiên Hùng Vương thánh tổ cầm quyền vào ra Đại Đình, Tam Đảo quê nhà Thông reo trúc hóa rườm rà tốt tươi… Thực tế hầu đồng trên khẳng định thêm nhận xét Tây Thiên Quốc Mẫu ở Tam Đảo chính là Mẫu Cửu Trùng hay Mẫu Thượng Thiên, là bà mẹ Trời của người Việt. Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu hay con gái bà Vụ Tiên vốn đứng đầu một bộ tộc ở phía Bắc (Cao Sơn), giúp vua Hùng Đế Minh đánh giặc Thục phía Tây (bộ tộc Cửu Lê của Xuy Vưu), thống nhất 3 tộc người thời lập quốc cách đây 5.000 năm.

Việc Mẫu Thượng thiên xuất hiện trong cả 2 vị trí của Tam tòa thánh mẫu và Tam vị chúa Mường là có nguyên do từ lịch sử. Tam phủ công đồng xuất phát chủ yếu từ vùng đồng bằng sông Hồng. Do đó vai trò của Nhạc phủ khá mờ nhạt và tách biệt. Vùng mà ta gọi là “đất Mường” vốn là vùng phía Tây, trên các miền núi, có lịch sử khác biệt so với đồng bằng sông Hồng. Khu vực vùng núi Tây Bắc nước ta vốn không hề bị “1000 năm Bắc thuộc”, từ thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa đã được độc lập (“Ngàn Tây nổi áng phong trần”). Sau đó khu vực “Mường Mán” phía Tây này nằm lại trong vùng đất của Nam Triệu thời Tấn rồi Nam Chiếu thời Đường như Truyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam chích quái đã kể. Mãi tới thời Cao Vương Biền nhà Đường mới đánh đuổi được quân Nam Chiếu, nhập vùng Tây Bắc vào Tĩnh Hải quân.

Sự chia cắt về lịch sử giữa đồng bằng và miền núi ở miền Bắc Việt cả ngàn năm đã dẫn đến sự tách biệt người Mường và người Kinh, cho dù Kinh – Mường vốn cùng gốc cả.

Cuối thời Đường Lưu Cung dựng nước Đại Việt là lúc phần Đông và Tây Giao Chỉ lại hợp nhất, Kinh và Mường về một nhà. Tín ngưỡng 2 dân tộc anh em gần gũi này cũng trở nên hòa hợp. Tam tòa thánh mẫu là tín ngưỡng của người miền đồng bằng. Tam vị chúa Mường, cái tên cũng nói rất rõ, là tín ngưỡng của người vùng núi. Tín ngưỡng người Mường này được nhập vào Đạo Mẫu Việt Nam như vậy.

Trong khi đó Mẫu Tây Thiên vốn là quốc tổ từ thời Hùng Vương, khi mà Kinh và Mường chưa còn tách biệt. Việc chia tách Đông Tây dẫn đến người Kinh tôn thờ Mẫu Tây Thiên là Mẫu Cửu Trùng, còn người Mường là Chúa đệ nhất thượng thiên. Khi tín ngưỡng người Kinh và Mường hòa nhập đã dẫn đến cùng một nhân vật lịch sử nhưng gặp ở 2 ngôi khác nhau.

Với quan niệm như vậy thì Tam vị chúa Mường thực ra là “Tam tòa thánh mẫu” của người Mường Mán, hình thành trước khi miền núi và đồng bằng Giao Chỉ hợp nhất. Chúa đệ nhất Tây Thiên ở ngôi Thượng thiên của Thiên phủ. Chúa đệ nhị và đệ tam cai quản 2 phủ còn lại là Thoải phủ và Nhạc phủ.

Vùng Đại Đình – Tam Đảo, quê hương của Tây Thiên Quốc Mẫu lại là đất người dân tộc Sán Dìu. Người Sán Dìu thờ Mẫu Tây Thiên như là vị thần của dân tộc mình. Người Sán Dìu thực ra là một nhóm người “Mường Mán” miền núi. Mẫu Tây Thiên ở Tam Đảo như vậy đích thực là Chúa Mường đệ nhất Thượng thiên.

Văn chầu Chúa Tây Thiên tiếp: Dạo chơi non nước đôi nơi Khi sang Cao Mại, khi chơi Nguyệt Hồ. Cao Mại là nơi thờ Chúa đệ tam ở Lâm Thao (Phú Thọ). Nguyệt Hồ là tên của Chúa đệ nhị, ở khu vực Lạng Giang. Chúa Mường đệ nhị Nguyệt Hồ và đệ tam Lâm Thao cũng là những nhân vật lịch sử từ thời Hùng Vương. “Nguyệt Hồ” không chỉ là tên mà còn là địa danh, như trong văn chầu Chúa Tây Thiên ở trên. Rất có thể Nguyệt Hồ nghĩa là vùng “nước” phía Tây, tức là Thoải phủ của người Mường Mán. Chúa đệ nhị là người cai quản Thoải phủ miền núi.

Chúa đệ nhị Nguyệt Hồ được thờ chính tại đền Nguyệt Hồ ở gần ga Kép, chợ Bố Hạ, tỉnh Bắc Giang. Truyền thuyết đền kể bà là người ở vùng này, đã gặp Lão Tổ Quỷ Cốc tiên sinh và được truyền cho thuật chiêm tinh, bói toán. Chúa Nguyệt Hồ do đó còn gọi là bà Chúa bói.

Quỷ Cốc tiên sinh là một nhân vật từ thời Chiến Quốc của Trung Hoa, là thầy của Tôn Tẫn, Bàng Quyên. Vậy mà sao Quỷ Cốc tiên sinh lại có mặt ở nước Nam ta? Chi tiết này cũng cho thấy bà Chúa Nguyệt Hồ phải sống vào đời Hùng Vương, ngang với thờ Chiến Quốc, chứ không phải đời Lê sau này như một số truyền thuyết chép.

Chúa đệ tam Lâm Thao còn gọi là bà Chúa Chữa dưới thời Hùng Vương. Bà còn có tên là Bà Chúa Ót. Theo một số ý kiến thì Chúa Ót nghĩa là út, đọc chệch đi. Tương truyền rằng bà là công chúa, con gái ruột của vua Hùng, từ bé đã bị hỏng một bên mắt. Tuy vậy bà vẫn một lòng giúp vua cha trị quốc, bà là người lo việc quân nhu quân lương trong các cuộc chiến trận, ngoài ra bà còn là người có tài bốc thuốc nam, bà đi khắp vùng đem tài năng của mình để cứu giúp dân lành. Bà Chúa đệ tam Lâm Thao cũng là một người có lòng mộ đạo, thường xuyên ăn chay niệm phật để cầu cho quốc thái dân an.

Đặc biệt trong văn chầu về Bà chúa Lâm Thao có nói bà đi tu ở Hương Tích: Ngắm xem khắp hết gần xa Vào chùa Hương Tích Phật Bà Quan Âm Một lòng mộ đạo nhất tâm Quy y Phật Tổ thần thông nhiệm màu. So sánh với sự tích chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh. Chuyện kể rằng, vua Trang Vương sinh hạ được ba cô công chúa là Diệu Ân, Diệu Duyên và Diệu Thiện. Khi ba công chúa trưởng thành vua cha gả 2 người chị cho 2 ông quan trong triều. Đến lượt công chúa út Diệu Thiện, vua muốn gả cho một viên quan võ, nhưng nàng không tuân theo ý vua cha. Mặt khác Diệu Thiện đã thề non hẹn biển với quan ngự y Triệu Chấn, nhưng không được Trang Vương chấp nhận. Đứng trước tình thế không nghe theo sự sắp đặt của vua cha, bị ruồng rẫy, Diệu Thiện bỏ ra ở chùa đi tu. Viên quan võ theo lệnh vua đem quân trừng trị Diệu Thiện, phóng hỏa đốt chùa. Nhưng Diệu Thiện được Phật Tổ sai thần Bạch Hổ đưa nàng trốn sang đất Việt Thường thị, đến vùng núi Ngàn Hống. Diệu Thiện tiếp tục tu hành ở động Hương Tích, trở thành một vị sư cô từ bi bác ái nổi tiếng.

Giữa lúc đó Trang Vương mắc bệnh nan y. Thầy thuốc nói phải có tròng mắt và bàn tay của một người con gái tự nguyện hiến dâng mới cứu được tính mạng. Nghe tiếng ni cô ở đất Việt Thường vua liền sai người đến cầu xin. Diệu Thiện bèn móc mắt và cắt tay của mình đưa cho sứ giả để cứu cha… Đức Phật cảm về tấm lòng của Diệu Thiện bèn ban phép cho mắt nàng sáng lại, bàn tay mọc lại như cũ. Sau khi hóa Diệu Thiện trở thành Phật Quan Âm.

Cảm động trước tấm lòng và sự hy sinh của con gái út, Trang Vương đã xây chùa ở Ngàn Hống (“Trang Vương lập tự”). Quan ngự y Triệu Chấn cũng rời khỏi kinh thành đi tìm Diệu Thiện. Ông ở núi Ngàn Hống, ngày ngày cưỡi voi thần đi lên những đỉnh núi cao hoặc thung lũng hái lá rừng làm thuốc trị bệnh cứu người… Tam vị Chúa MườngAm Phật Bà Diệu Thiện ở Hương Tích – Hồng Lĩnh.

Nay ở cạnh chùa Hương Tích trên dãy Hồng Lĩnh huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) còn nền Trang Vương, tương truyền là nơi Trang Vương tới thăm con gái. Tồn trai Bùi Dương Lịch (0888672676) khi thăm Hương Tích viết bài thơ có câu: Vân túc Trang Vương hà đại chỉ Thụ xuy Trần tử nhất phong am.

Dịch: Trang Vương nền cũ mây còn đọng Trần tử am xưa gió réo vù.

“Am Trần Tử” ở đây phải chăng là chỉ Am dược sư, thờ ngự y Triệu Chấn? Không rõ tại sao lại gọi Triệu Chấn là Trần Tử.

Rõ ràng sự tích Quan Âm Diệu Thiện và Bà Chúa Ót chỉ là một chuyện. Công chúa út của Trang Vương tu hành ở Hương Tích, lấy mắt mình cứu cha, làm thuốc chữa bệnh cho dân lành,… Vì thế Diệu Thiện đã được tôn làm Chúa Mường đệ tam, cai quản Lâm cung nhạc phủ.

Trong hệ thống Tam phủ thì Mẫu Thượng ngàn còn có tên là Lê Mại đại vương thiền sư Diệu Tín. Cái tên này chẳng ăn nhập gì với các truyền thuyết chính về Mẫu Thượng Ngàn là công chúa La Bình, con gái Sơn Tinh (đền Bắc Lệ), hay công chúa Quế Hoa của Hùng Định Vương (đền Suối Mỡ). Nhưng cái tên trên lại liên hệ rõ với bà Chúa Mường đệ tam.

“Lê Mại” chỉ là từ khác của “Cao Mại”, quê bà Chúa Lâm Thao mà thôi, vì Lê = Lửa, chỉ vua chúa, Cao = Cả, cũng là chỉ người lãnh đạo. “Mại” có thể là Mọi, từ chỉ người Mường Mán. Lê Mại hay Cao Mại như vậy cùng có nghĩa là Chúa Mường. Mẫu Thượng ngàn trong Tứ phủ lại lẫn chung ngôi với Chúa Mường đệ tam Lâm Thao. Tương tự như trường hợp Chúa Mường Tây Thiên là Mẫu Cửu trùng, sự hợp nhất tín ngưỡng thờ Mẫu của Kinh và Mường thể hiện rất rõ

Thượng ngàn Sơn Tinh công chúa văn chầu Cô Đôi Thượng ngàn có câu về Mẫu Thượng ngàn: Đất Trang Chu hiệu là Diệu Tín Đức thiền sư nổi tiếng anh linh. Thiền sư Diệu Tín là công chúa đất Trang Chu… thật quá chính xác. Trang Vương ở chùa Hương Tích không phải Sở Trang Vương. Nước Sở ở đâu mà lại có Sở Trang Vương sang tận Ngàn Hống – Hà Tĩnh được? Trang Vương như vậy chính là “Trang Chu”, tức là Chu Trang Vương.

Chu Trang Vương là vị vua được biết nhiều trong cổ sử vì Việt sử lược, bộ sử xưa nhất của nước ta còn lại đến nay, có chép: “Đến thời Trang Vương nhà Chu ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương.”

Trang Vương – Cơ Đà (696 – 681 TCN) là vị vua thứ 2 nhà Đông Chu lên ngôi ở Lạc Ấp. Các nhà sử gia đời nay căn cứ vào đó lấy làm mốc cho niên đại lập quốc của người Việt.

Theo truyền thuyết thì bà Chúa Lâm Thao là con gái Hùng Vương. Còn Quan Âm Diệu Thiện là con gái Trang Vương. So sánh 2 sự tích cho một nhận định: Chu Trang Vương là một vị vua Hùng, đô đóng ở Phú Thọ. Đây lại thêm một bằng chứng rõ ràng về triều đại Chu của Trung Hoa chính là nước Văn Lang của các vua Hùng.

Đất Ngàn Hống – Hà Tĩnh cũng vốn là “đất Mường” thời trước Đại Việt. Người Mường Mán (những người ở miền núi phía Tây) đã tôn 3 nhân vật nữ có công đức lớn từ thời Hùng Vương làm Chúa cai quan các cõi. Mẫu Tây Thiên là Chúa Mường Thượng thiên. Bà Nguyệt Hồ là Chúa Mường Thoải phủ. Công chúa Diệu Thiện là Chúa Mường Sơn Trang. Tín ngưỡng “Tam chúa” của người Mường khá tương đồng với tín ngưỡng Tam phủ của người Kinh vùng đồng bằng.

Tín ngưỡng, truyền thuyết là những tiếng vang của lịch sử, phản ánh qua những lăng kính khác nhau. Người Kinh có cách nhìn của người Kinh. Người Mường có cách nhìn của người Mường. Nhưng lịch sử cả tộc người từ thời cha sinh mẹ đẻ thì chỉ có một. Lắng nghe những tiếng vang trong truyền thuyết và tín ngưỡng sẽ nhận ra lịch sử chân thực của dân tộc.

READ  Hồi giáo là gì, và người Hồi giáo tin gì?
[external_link offset=1]