Trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc

Or you want a quick look:

Tháng 10/1944, trước sự chuyển biến của tình hình thế giới có lợi cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư của Quốc dân đồng bào để thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân. Trong thư có đoạn viết: “… chúng ta phải có một cái cơ cấu đại biểu… do một cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”.

Giữa năm 1945, cao trào kháng Nhật cứu nước đang diễn ra sôi nổi, cơ hội ngàn năm có một cho nhân dân ta giải phóng dân tộc đang đến gần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải gấp rút triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam. Người cân nhắc rất kĩ giá trị của thời gian, mỗi ngày, mỗi giờ trong lúc thời cuộc đại chuyển biến. Lúc bấy giờ, theo Người, chậm trễ là bỏ lỡ nhiều cơ hội thuận lợi.

[external_link_head]

Vì vậy, giữa tháng 8/1945, khi chủ nghĩa phát xít tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh không điều kiện và lực lượng cách mạng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong cả nước, trước thời cơ có một không hai để giải phóng dân tộc, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 để quyết định phát động lệnh Tổng khởi nghĩa và Quốc dân đại hội cũng đã được tiến hành trong bối cảnh đó.

Chiều ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số kiều bào ta ở nước ngoài (Thái Lan và Lào). Đại hội tiến hành trong khi lệnh Tổng khởi nghĩa vừa phát đi, cho nên phải họp khẩn trương, “chớp nhoáng” để các đại biểu có thể về cùng các chiến sĩ ở địa phương lãnh đạo khởi nghĩa.

Đại hội đại biểu quốc dân đã có ba quyết định lớn:

- Nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng và của Tổng bộ Việt Minh.

- Thông qua 10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào tích cực phấn đấu thực hiện, trong đó, điểm mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập.

- Thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Thường trực Uỷ ban gồm 5 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng và Dương Đức Hiền.

Đại hội bế mạc vào ngày 17/8/1945. Trong buổi lễ bế mạc, ra mắt quốc dân tại đình Tân Trào, thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Uỷ ban Dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành độc lập lại cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước”.

Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tiến bộ lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đánh giá. Đây là một Đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Uỷ ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ cách mạng lâm thời) của nước Việt Nam mới được Quốc dân Đại hội bầu ra ngày 16/8/1945 là người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam để thực hiện những quyết sách lớn của công cuộc cứu nước và kiến quốc. Đây là thắng lợi lớn của nghệ thuật chớp đúng thời cơ của Tổng bộ Việt Minh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sự sáng tạo độc đáo của Người trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành quyền độc lập bằng hình thức tổ chức Quốc dân Đại hội để thông qua quyết sách chuyển xoay vận nước bằng Tổng khởi nghĩa, xoá bỏ chế độ nô dịch thực dân, thi hành chính sách 10 điểm của Việt Minh, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho một chế độ mới.

READ  Hoa hậu Phương Khánh – Người đẹp ‘vô danh’ vụt sáng sau một đêm

Quốc dân Đại hội Tân Trào họp ngày 16 và 17/8/1945, là mốc son chói lọi mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc và có giá trị vĩnh hằng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định khi nói về sự kiện này:

“Vừa đây Việt Minh lại triệu tập “Việt Nam quốc dân đại biểu Đại hội”, cử ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập.

[external_link offset=1]

Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay.

Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi và riêng tôi hết sức vui mừng”.

Như vậy, kể từ khi Bản yêu sách của nhân dân An Nam (năm 1919) đến Quốc dân Đại hội Tân Trào (năm 1945), tư tưởng về xây dựng một nhà nước pháp quyền trong Hồ Chí Minh đã được cụ thể hoá từng bước, với những việc làm cụ thể từ thấp đến cao, từng bước chuẩn bị tiền đề từ nhận thức đến hành động để đi đến thắng lợi cuối cùng, đó là bước đi hợp quy luật, điều này đã trở thành bài học quý báu cần được vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Thực hiện Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Quốc dân đại hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước, triệu người như một, nhất tề nổi dậy với ý chí “dù có hy sinh đến đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng quyết tâm giành cho được chính quyền trong toàn quốc”.

Cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19/8), Huế (ngày 23/8), Sài Gòn (ngày 25/8). Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân. Vua Bảo Đại xin thoái vị để “được làm dân tự do của một nước độc lập”.

Ngày 25/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong lời tuyên cáo của Chính phủ ngày 27/8/1945 đã nói rõ: “… Chính phủ lâm thời thật là một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ nước cộng hoà chính thức”.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước cuộc mít tinh của hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời” - một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam bắt đầu: Kỷ nguyên độc lập - tự do.

Để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải xúc tiến việc bầu Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức. Vì vậy, ngày 3/9/1945, tức là một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.

READ  Thiên ma Ba Tuần là ai? Tại sao Thiên ma Ba Tuần lại phá Phật thành đạo?

Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: “Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17/8/1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hoà và chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”.

Để xúc tiến công việc chuẩn bị cụ thể cho cuộc Tổng tuyển cử, ngày 26/9/1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử và Sắc lệnh số 51-SL, ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Công việc chuẩn bị Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện giặc ngoài, thù trong, tình hình kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, việc Chính phủ lâm thời ban hành một loạt các Sắc lệnh đã thể hiện sự cố gắng hết sức để cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên giành thắng lợi. Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, cuộc Tổng tuyển cử này không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc vô cùng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt.

Các báo Cứu quốc, Sự thật, Tiền phong đã tích cực đấu tranh vạch trần những luận điệu xảo trá của các thế lực phản động, hướng dẫn dư luận, cổ vũ quần chúng tích cực tham gia Tổng tuyển cử, vì Tổng tuyển cử là thực hiện quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Chỉ có Tổng tuyển cử mới có dịp để cho dân chúng chọn người đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân, cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có một cơ quan quyền lực cao nhất đủ thẩm quyền để ban hành cho nước Việt Nam một Hiến pháp ấn định rõ ràng quyền lợi của quốc dân và của Chính phủ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà… Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.

Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23/12/1945. Để thực hiện chủ trương thống nhất và hoà giải, đồng thời để có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày chủ nhật, 6/1/1946.

Qua quá trình đấu tranh thương lượng và nhân nhượng, Việt Nam Quốc dân đảng (Việt quốc) đã thoả thuận hợp tác với Chính phủ và ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử. Trên cơ sở đó, ngày 24/12/1945, đại biểu của Việt Minh, Việt quốc, Việt cách (Việt Nam cách mạng Đồng minh hội) đã gặp nhau và cùng ký bản “Biện pháp đoàn kết”, trong đó có điều khoản ủng hộ Tổng tuyển cử và kháng chiến, nhất trí về việc mở rộng Chính phủ lâm thời có đại diện của Việt quốc, Việt cách tham gia, thừa nhận 70 ghế của họ trong Quốc hội mà không qua bỏ phiếu. Đây là một sách lược hết sức mềm dẻo và khôn khéo của Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm cô lập bọn phản động và hạn chế sự chống phá điên cuồng của chúng.

READ  Thy Thanh Pham - bà mẹ của những câu chuyện ma |Traloitructuyen.com
[external_link offset=2]

Ngày 1/1/1946, Chính phủ lâm thời đã cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, mở rộng thêm thành phần Chính phủ để thực hiện mục tiêu lớn là làm cho cuộc toàn dân tuyển cử được thành công tốt đẹp và chuẩn bị sẵn sàng việc khai Quốc hội.

Cùng với quá trình đấu tranh hoà hoãn, nhân nhượng với các đảng phái đối lập để tạo sự thống nhất, Chính phủ lâm thời đã nhanh chóng tổ chức soạn thảo Hiến pháp và triển khai sâu rộng công tác chuẩn bị Tổng tuyển cử trong cả nước, coi đó là một cuộc vận động chính trị hết sức rộng lớn của toàn dân.

Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “… Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…”.

Báo Quốc hội số đặc biệt ngày 6/1/1946 đã dành khổ lớn trên trang nhất để in ảnh Hồ Chí Minh cùng bút tích của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”.

Cuộc Tổng tuyển cử ở phía Nam diễn ra vào ngày 23/12/1945 (do không kịp nhận lệnh hoãn), còn đại bộ phận cả nước tiến hành Tổng tuyển cử thắng lợi vào ngày 6/1/1946. Đây là một ngày đấu tranh hiếm có trong lịch sử của dân tộc.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của thể chế chính trị ở Việt Nam, đó là thời kỳ nước ta có một Quốc hội dân tộc thống nhất, một Chính phủ liên hiệp kháng chiến có đầy đủ tư cách pháp lý đại diện cho nhân dân toàn quốc đảm đương nhiệm vụ đối nội và đối ngoại.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đập tan âm mưu đen tối của các thế lực phản động, âm mưu tiêu diệt cách mạng Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số qua các khoá

Khoá I: Tổng số đại biểu là 403 người trong đó có 34 đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số, chiếm 7,5%. 

Khoá II: Tổng số đại biểu là 453 người trong đó có 56 đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số, chiếm 15,4%. 

Khoá III: Tổng số đại biểu là 453 người trong đó có 60 đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số, chiếm 16,6%. 

Khoá IV: Tổng số đại biểulà 420 người trong đó có 73 đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số, chiếm 17,3%. 

Khoá V: Tổng số đại biểu là 424 người trong đó có 71 đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số, chiếm 16,7%. 

Khoá VI: Tổng số đại biểu là 492 người trong đó có 67 đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số, chiếm 13,6%.

Khoá VII: Tổng số đại biểu là 496 người trong đó có 74 đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số, chiếm 14,91%.

Khoá VIII: Tổng số đại biểu là 496 người trong đó có 70 đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số, chiếm 14%. 

Khoá IX: Tổng số đại biểu là 395 người trong đó có 66 đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số, chiếm 16,79%. 

Khoá X: Tổng số đại biểu là 450 người trong đó có 78 đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số, chiếm 17,33%.

Khoá XI: Tổng số đại biểu là 498 người trong đó có 86 đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số, chiếm 17,27%. 

BBT và Hồng Ánh 

(Theo 60 năm Quốc hội Việt Nam)

[external_footer]
See more articles in the category: Là ai

Leave a Reply