Tục thờ Năm Ông của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa – Vĩnh Thông

Or you want a quick look:

1. Đặt vấn đề

[external_link_head]

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời năm 1849 và đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời năm 1867 là hai tôn giáo nội sinh trên vùng đất An Giang dưới triều Nguyễn, được xếp vào giai đoạn đầu trong dòng chảy các tôn giáo bản địa ở Nam Bộ. Không chỉ là tôn giáo, đây còn là những phong trào yêu nước và phong trào khẩn hoang có tầm ảnh hưởng lớn. Mặc dù về hình thức có nhiều điểm khác nhau, nhưng những tư tưởng cốt lõi trong giáo lý của hai đạo nầy tương đối giống nhau, đều dựa trên nền tảng căn bản là Tứ ân (ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bảo, ân đồng bào nhơn loại). Bên cạnh đó, việc thờ trần điều (vải đỏ sẫm) cũng là một đặc điểm nhận dạng của hai tôn giáo nầy.

Tuy nhiên, trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn có một hình thức thờ cúng giống nhau mà đến nay chưa có nhiều công trình nghiên cứu quan tâm đến, đó là Ngũ Công Vương Phật hay Chư Vị Năm Ông. Nếu đối với giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương, thờ cúng Năm Ông chỉ còn được biết qua một số tư liệu, thì đối với giáo hệ Tứ Ân Hiếu Nghĩa, thực hành tín ngưỡng nầy ngày nay vẫn còn tồn tại. Bài viết nầy chúng tôi xin giới thiệu một số đặc trưng của tục thờ cúng Năm Ông trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa như nguồn gốc đối tượng tín ngưỡng, hình thức thực hành tín ngưỡng và một số vấn đề có liên quan… mà trước nay chưa được đề cập đến.

2. Nguồn gốc đối tượng tín ngưỡng

Trong Phật giáo, tục thờ năm vị Phật được cộng đồng Phật tử theo Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Mật tông chia sẻ, nhưng dưới hai hình thức khác nhau.

Trong kinh tạng Pali của Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) có nhắc đến năm đời chư Phật tiêu biểu từ quá khứ đến vị lai bao gồm Kakusandha (Phật Câu Lưu Tôn), Konagamana (Phật Câu Na Hàm Mâu Ni), Kassapa (Phật Ca Diếp), Gotama (Phật Thích Ca Mâu Ni), Metteyya (Phật Di Lặc). Theo con đường hoằng pháp Nam truyền, năm vị Phật nầy được Phật tử các nước Myanmar, Thái Lan, Cambodia… thờ phượng rộng rãi, với hình thức thường thấy là tranh vẽ. Không chỉ thế, năm vị Phật đôi khi còn được giới pháp sư ngoại đạo đưa vào các hình thức bùa chú.

Trong khi đó, năm vị Phật ở Phật giáo Tạng truyền lại hoàn toàn vắng bóng trong kinh văn Pali nguyên thủy. Mật tông đưa ra hình tượng năm vị Phật tối cao của Kim Cang thừa, mà Trung Hoa dịch là Ngũ Trí Như Lai hay Ngũ Phương Phật gồm: Vairochana (Phật Tỳ Lô Giá Na), Akshobhya (Phật A Súc Bệ), Ratnasambhava (Phật Bảo Sanh), Amitabha (Phật A Di Đà), Amoghasiddhi (Phật Bất Không Thành Tựu). Đối với người tu Mật tông, năm vị Phật với tư cách là bổn tôn của hành giả, cũng là biểu trưng cho năm tánh cách của con người.

Tuy nhiên, đối tượng thờ cúng mà tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa gọi là Chư Vị Năm Ông hay Ngũ Công Vương Phật lại không liên quan đến một trong hai hình thức thờ cúng năm vị Phật từ hai truyền thống Phật giáo nói trên. Mỹ hiệu của Năm Ông (có khi được đi kèm với ngũ phương) bao gồm:

- (Đông Phương Thanh Đế) Chí Công Vương Phật

- (Tây Phương Bạch Đế) Lãng Công Vương Phật

- (Nam Phương Xích Đế) Bửu Công Vương Phật

- (Bắc Phương Hắc Đế) Hóa Công Vương Phật

- (Trung Ương Huỳnh Đế) Đường Công Vương Phật.

Vậy Ngũ Công Vương Phật là ai?

Thực ra, mặc dù mang danh xưng là Phật nhưng năm vị nầy lại không phải nhân vật Phật giáo, mà là năm vị tướng của Trung Hoa thời Tam Quốc được người đời sau tôn thờ gồm: Quan Công, Quan Bình, Châu Xương, Trương Tiên, Vương Thiên Quân. Năm vị tướng được xem là biểu tượng của trung nghĩa, nên việc thờ phượng các ông còn mang ý nghĩa giáo dục về lòng trung nghĩa. Tục thờ năm vị tướng nầy đã có từ lâu ở Trung Hoa, nhưng tương truyền mãi đến năm Càn Long thứ 0888672676) triều Thanh mới chính thức có danh xưng Ngũ Công Vương Phật xuất hiện. Khi thể hiện bằng tranh, Quan Công thường ngồi ở giữa, hai bên có Quan Bình và Châu Xương, thêm Trương Tiên đứng sau Quan Bình và Vương Thiên Quân đứng sau Châu Xương.   

Quan Công tên thật là Quan Vũ, tự Vân Trường, thời trẻ cùng Lưu Bị và Trương Phi kết nghĩa anh em, sau theo phò Lưu Bị và góp công lớn trong việc dựng nghiệp cho nhà Thục Hán. Ông nổi tiếng với đức tánh trung nghĩa, được người đời sau tôn là Quan Thánh Đế Quân hay Hiệp Thiên Đại Đế. Tạ Chí Đại Trường [2014: 293-294] nhận định: “Tính chất lưu vong và thương nhân ít học (so với nho sĩ khoa bảng) khiến cho người Hoa biết ‘tiểu thuyết’ nhiều hơn kinh truyện, và tin nhân vật tiểu thuyết lịch sử hơn là trong sử kí. Thần Quan Đế của họ mang tính khu vực lưu tán (Nam Trung Quốc) là hình ảnh rút từ Tam Quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung chứ không phải từ Tam quốc chí của Trần Thọ”.

READ  Cảm nhận về Mao Bất Dịch

Quả như thế, Quan Bình vốn là con ruột của Quan Vũ, nhưng trong tiểu thuyết thì nhân vật chỉ nầy là con nuôi. Trong khi đó, Châu Xương hoàn toàn là một nhân vật hư cấu, với xuất thân là một tướng cướp, về sau theo phò Quan Vũ. Ảnh hưởng từ tiểu thuyết trên nên trong văn hóa dân gian Trung Hoa, Quan Bình được tôn là Quan Thái tử và hiệu là Cửu Thiên Uy Linh Hiển Hóa Đại Thiên Tôn, còn Châu Xương là Cương Trực Trung Dũng Đại Thiên Tôn.

Trương Tiên và Vương Thiên Quân cũng trở thành các vị thần trong Đạo giáo. Trương Tiên là vị thần phù trợ sản phụ và trẻ sơ sanh, được tôn là Linh Ứng Trương Tôn Đại Đế Thất Khúc Dục Thánh Thiên Tôn. Vương Thiên Quân được người Trung Hoa cho là Thiên Lôi (Lôi Công) và tôn là Thái Ất Lôi Thinh Ứng Hóa Thiên Tôn.

[external_link offset=1]

Người Hoa khi di cư sang Việt Nam đã mang theo tín ngưỡng Ngũ Công Vương Phật. Tục thờ cúng nầy dần trở nên phổ biến và được người Việt tiếp nhận. Nhiều gia đình người Việt xem Năm Ông là thần độ mạng cho gia chủ, thường thờ phượng dưới hình thức tranh kiếng, đặt trong một trang thờ nhỏ treo trên vách nhà. Nhiều nơi sản xuất tranh kiếng ở Nam Bộ có chế tác tranh thờ Năm Ông, phía trên tấm tranh có ghi dòng chữ Hán “Ngũ Công Vương Phật”. Tại núi Cấm (tỉnh An Giang) có miễu Năm Ông thờ phượng theo mô thức nầy. Ngôi miễu được xem là một trong những điểm linh thiêng trên núi Cấm, đặc biệt đối với giới bùa phép và đồng bóng [Tư liệu điền dã 2016].

3. Đặc điểm thực hành tín ngưỡng

3.1. Bửu Sơn Kỳ Hương

Đối với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, chúng ta chưa tìm thấy lời dạy nào chính thức từ Đức Phật Thầy Tây An (giáo chủ Đoàn Minh Huyên) hoặc các cao đồ về việc thờ Năm Ông. Bởi không như Tứ Ân Hiếu Nghĩa xem trọng việc bày trí thờ phượng, Bửu Sơn Kỳ Hương chủ trương đơn giản hóa việc thờ cúng. Song, qua một số tư liệu, chúng ta có thể góp nhặt được những thông tin đáng lưu ý.

Thứ nhứt, năm 1851, Đức Phật Thầy Tây An giao cho đại đệ tử là Quản cơ Trần Văn Thành làm năm cây thẻ để ngăn chặn “kẻ dữ” xâm phạm đất đai. Đó là những cây gỗ lào táo, đẽo gọt thành hình búp sen và khắc bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”, được cắm ở bốn hướng và một ở trung tâm. Các cây thẻ lần lượt được mang tên giống với danh hiệu Ngũ Công Vương Phật nói trên, bao gồm:

- Đông Phương Thanh Đế (nay ở xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang)

- Tây Phương Bạch Đế (nay ở xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang)

- Nam Phương Xích Đế (nay ở xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang)

- Bắc Phương Hắc Đế (nay ở xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang).

- Trung Ương Huỳnh Đế (nay ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang)

Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương gọi đó là Ông Thẻ hay Quan Thẻ và lập miếu thờ ở các địa điểm nói trên, đến nay vẫn còn.

Thứ hai, trong một tác phẩm thơ Nôm cổ (không rõ tác giả) thuật lại sự tích Đức Phật Thầy, có nhiều lần nhắc đến tục thờ Năm Ông. Tác phẩm nầy hiện có hai bản là Giảng Năm Ông do Nguyễn Hữu Hiệp sưu tầm và công bố năm 1974 và Kinh Năm Ông do Nguyễn Văn Sâm sưu tầm ở An Giang năm 2006 và công bố năm 2009. Hai bản có nhiều điểm khác nhau, nhưng chúng ta vẫn có thể dễ dàng nhận ra chúng chỉ là hai dị bản của cùng một tác phẩm. Xin trích một số câu quan trọng:

+      “Bao nhiêu thói dữ đừng màng

          Đêm ngày niệm Phật kỉnh thờ Năm Ông”

+      “Kỉnh tin Năm Ông Ngũ Phương

          Điều lành thời giữ chớ mong thói tà”

+      “Đêm ngày tin tưởng Năm Ông

          Họa ra đặng thoát khỏi chưng nạn này”

[Nguyễn Hữu Hiệp 1974: 84-92]

Thứ ba, Sư Vãi Bán Khoai là một nhân vật truyền đạo ở Nam Kỳ những năm 0888672676, không rõ lai lịch trước đó và hành tung sau đó, tuy nhiên vẫn được tín đồ xem là một trong những vị kế tục dòng chảy Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông để lại bộ Sấm giảng người đời gồm 11 quyển, trong đó quyển thứ 9 có đoạn hướng dẫn việc thờ phượng Năm Ông như sau:

“Trong nhà lập mấy bàn thờ

Cửu huyền thất tổ, ngoài thờ Năm Ông

Thường đêm hương đốt đừng không

Thời là lại có lưỡng thần chép biên”

[Sư Vãi Bán Khoai 1949: 99]

Thứ tư, hiện nay tại đình Tòng Sơn (xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có bàn thờ Chư Vị Năm Ông. Tòng Sơn là quê hương của Đức Phật Thầy và ngôi đình nầy cũng nơi đầu tiên ông tá túc khi trở về làng (1849) sau nhiều năm lưu lạc. Dân gian kể rằng, ở tại đình được một thời gian, ông tiếp tục rời đi và để lại một cây cờ ngũ sắc được gọi là “cây thẻ Năm Ông”. Lúc đó, dịch bịnh đang xảy ra nên dân chúng kéo nhau đến thỉnh vải cờ để uống chữa bịnh: “Thiên hạ lúc đầu tới đình thỉnh còn được cờ, vài hôm sau hết cờ, họ đẽo tới cán cờ đem về thiêu, rồi hòa với nước mà uống, uống đâu hết đó” [Dật Sĩ & Nguyễn Văn Hầu 1972: 67].

READ  Cris Devil Gamer: Streamer hot nhất Việt Nam xuất thân thiếu gia giàu có

3.2. Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Đối với đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Năm Ông là đối tượng tín ngưỡng được thừa nhận chính thức. Tư gia của tín đồ có bàn thờ Năm Ông ở phía trước nhà, đối diện với bàn thờ chánh. Trên bàn thờ có bức vải hoặc giấy đỏ với kích thước lớn, ghi bốn chữ Hán “Ngũ Công Vương Phật” và tín đồ gọi theo cách dân gian là “Chư Vị Năm Ông”. Bàn thờ nầy nằm ở giữa so với chiều ngang của mặt tiền ngôi nhà, vì thế theo truyền thống nhà của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa không làm cửa ở giữa mà chỉ làm cửa hai bên, ở giữa sẽ là vách mang chức năng như bình phong che cho bàn thờ Năm Ông [Tư liệu điền dã 2015]. Tuy nhiên tập quán nầy ngày nay đa phần không còn được giữ gìn.

Từ tục thờ Năm Ông, tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa có một số kiêng kỵ trong cách nói. Họ không nói từ “công” (trong danh hiệu Ngũ Công Vương Phật) mà phải nói trại là “cung” hoặc “cuông”, trường hợp một công đất thì gọi là “một vuông đất”. Không được dùng từ “đường” (trong danh hiệu Đường Công Vương Phật) mà gia vị đường phải gọi là “ngọt” và đường đi phải gọi là “lộ”…

Niềm tin Năm Ông được chính thức ghi nhận trong đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa sớm nhứt là từ thời Đức Bổn Sư (giáo chủ Ngô Lợi). Năm 1878, ông tổ chức khởi nghĩa chống Pháp ở Cai Lậy (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), có rao giảng về quyền lực của Năm Ông. Điều nầy về sau được Nguyễn Liên Phong [1909: 68] thuật lại trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca:

“Sau thêm Ong, Khả, lẫy lừng

Roi mây ngựa chuối giăng giăng khởi cùng

Dối rằng phép lạ Năm Ông

Bùa linh hiển hích súng không làm gì”

Hơn nửa thế kỷ sau, hình thức đó được lặp lại trong cuộc nổi dậy chống Pháp của ông Đạo Tưởng ở Tân Châu (nay thuộc tỉnh An Giang) năm 1939. Ông tên thật là Lâm Văn Quốc, thường gọi là Ba Quốc, biết võ nghệ và có học bùa ngãi. Năm 1928, ông lập am tu hành ở Tân Châu. Theo mô tả của Nguyễn Văn Kiềm [1966] thì ở giữa am thờ Quan Công, bên trái thờ Thần, bên phải thờ Thánh, đối diện phía ngoài thờ Chư Vị Năm Ông - hình thức thờ phượng với bốn bàn thờ như trễn rõ ràng là đặc trưng nhận diện của Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

4. Nghi vấn liên quan đến Thiên Địa hội 

Thiên Địa hội là một tổ chức bí mật của người Trung Hoa với mục đích phản Thanh phục Minh, ra đời vào năm 1674 tức năm Khang Hy thứ 13 triều Thanh. Người Trung Hoa (chủ yếu là khu vực phía Nam) di cư đến Nam Bộ - Việt Nam vào thế kỷ XVII - XVIII đa phần vì lý do chánh trị, không bằng lòng sống trong sự quản lý của người Mãn, họ mang theo cả Thiên Địa hội trên hành trình di cư. Theo Sơn Nam [1997: 94], Chủ tỉnh Hà Tiên là Emile Puech (người từng ở Long Xuyên đàn áp cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa năm 1873) cho rằng Thiên Địa hội có mặt ở Nam Kỳ trước khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây. Sau khi Pháp đến, dần dần người Việt tham gia càng đông đảo vào Thiên Địa hội và nêu cao lý tưởng “phục Nam bài Pháp”. Mục đích của họ là đánh đuổi ách thống trị của Pháp và tái thiết chế độ quân chủ.

[external_link offset=2]

Sau cuộc nổi dậy tấn công Khám lớn Sài Gòn năm 1916 nhằm giải cứu Phan Xích Long - thủ lãnh của Hội Kín lúc bấy giờ, phía Pháp đã thu được lá cờ có ghi bốn chữ “Thánh Minh Vương Phật” từ trên xuống và bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương” ở bốn góc [Nguyễn Thanh Tiến 2005: 46]. Chúng ta biết, trước nay tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã quen thuộc với bốn câu sấm được lưu truyền là:

“Chữ Bửu là hiệu Phật Vương

Chữ Sơn Phật Thầy tin tưởng phước dư

Chữ Kỳ là hiệu Bổn Sư

Chữ Hương Phật Trùm bốn chữ phải mang”

Nếu Đức Phật Thầy (Đoàn Minh Huyên), Đức Bổn Sư (Ngô Lợi), Đức Phật Trùm (Tà Pônh) là những nhân vật có thật trong lịch sử và tiếp nối dòng chảy Bửu Sơn Kỳ Hương, thì Đức Phật Vương lại hoàn toàn bí ẩn. Đức Phật Vương liệu có liên quan gì đến Ngũ Công Vương Phật và Thánh Minh Vương Phật? Ngày tai, tại tổ đình của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là chùa Tam Bửu (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) có ngôi long đình thờ Đức Phật Vương, bên trong là bảng gỗ lớn có bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Sơn Nam [1971: 55] nhận định: “Năm Ông, còn gọi là Chư Vị Năm Ông là ông Quan Đế, Thái tử, Ông Châu, Trương Tiên, Linh Quan. […] Chùa thờ Năm Ông có thể là trụ sở bí mật của Thiên Địa hội”.

READ  Hoàn Nhan Hồng Liệt

Khi nghiên cứu văn bản Kinh / Giảng Năm Ông như đã giới thiệu ở trên, chúng tôi chú ý đến câu: “Cờ đen vàng vải khá may / Cắm ngay giữa cửa khuyên trai đừng lầm” [Nguyễn Hữu Hiệp 1974: 84], hay: “Cờ đen vải trắng bìa vàng / Treo ngay giữa cửa đêm khuya giữ gìn” [Nguyễn Văn Sâm 2009: 13]. Nếu chỉ là một bộ kinh giảng khuyên tín đồ tu hành, thì tại sao lại có việc may lá cờ và treo giữa cửa, phải chăng là tín hiệu của một tổ chức?

Tương tự vậy, Huờn (Hoàn) Sanh kinh là một bản kinh bằng chữ Nôm có từ lúc Đức Bổn Sư mới mở đạo, trong đó có những đoạn cũng rất đáng lưu ý: “Huờn sanh trần thế, lập kế Thánh vương, thân thể nhiễu nhương, người đương thay đổi, phép trời làm nổi, thân thể nghiêm trang, hỡi kíp lo toan, thay đời lập trị, Phật trời hiệp nghị, có một hội nầy, có tớ có thầy, trang nghiêm tiên kiểng, chọn xây lựa tuyển, tống xuống học hành, công sự đã thành, thiên cơ sở định”. Đoạn kinh nói về việc “đổi đời” theo thuyết tận thế, khi đó đời Hạ nguơn kết thúc và hội Long Hoa mở ra để lập đời mới Thượng nguơn. Song, nội dung đoạn kinh không khó để chúng ta liên tưởng đến hoạt động chống Pháp, những nghĩa sĩ “lập kế Thánh vương” đánh đuổi giặc ngoại xâm để “huờn sanh trần thế”.

Ngoài ra, người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa khi gia nhập đạo còn được phát cho một tờ lòng phái, hiểu như giấy chứng nhận nhập đạo. Ở Thiên Địa hội cũng phát tờ hồng tánh để chứng nhận người đã nhập hội. Mặc dù về nghi thức gia nhập Thiên Địa hội không có điểm tương tự Tứ Ân Hiếu Nghĩa, nhưng lá lòng phái có nhiều điểm giống nhau [Đinh Văn Hạnh 1999: 78].

5. Kết luận

Tục thờ cúng Ngũ Công Vương Phật - Chư Vị Năm Ông trong tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa là một hiện tượng đến nay gần như chưa có công trình nghiên cứu đề cập đến. Tục thờ nầy có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa, khi truyền sang Việt Nam trước tiên được người Việt tiếp nhận trong phạm vi gia đình và xem Năm Ông như thần độ mạng cho gia chủ. Sau đó, Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa lại tiếp tục đưa Năm Ông hệ thống thờ tự của mình như một đối tượng tín ngưỡng quan trọng.

Hiện tượng nầy không chỉ phản ánh quá trình giao thoa văn hóa Việt - Hoa trên địa bàn, mà trong bối cảnh buổi đầu Nam Kỳ là thuộc địa, xu thế đề cao lý tưởng trung nghĩa trở nên nổi bật trong giới sĩ phu hơn bao giờ hết, vì thế chúng tôi cho rằng việc Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa chọn Năm Ông để thờ cúng không nằm ngoài xu thế đó. Ngoài ra, với những chứng cứ khá thuyết phục về mối quan hệ giữa hai tôn giáo nói trên với Thiên Địa hội, việc thờ cúng Năm Ông có thể còn liên quan đến các hoạt động bí mật trong phong trào kháng Pháp thời bấy giờ.

Trong phạm vi kiến thức và khả năng có hạn, lại thêm nguồn tư liệu ít ỏi, bài viết của chúng tôi chỉ xin phân tích tục thờ cúng Năm Ông với tư cách là một hình thái tín ngưỡng - một khía cạnh trong văn hóa tôn giáo. Những vấn đề liên quan đến lịch sử xin phép nêu lên như một gợi mở, hy vọng sẽ được các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ thêm.

VĨNH THÔNG

(Bài in trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Triết lý nhân sinh của người dân Nam Bộ, Tập 1: Văn hóa nhận thức và tôn giáo tín ngưỡng, Nxb Đại học Cần Thơ, 2018 & sách Dấu ấn thượng châu thổ, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2021)

_______________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Dật Sĩ & Nguyễn Văn Hầu (1972), Thất Sơn mầu nhiệm, tái bản, Nxb Từ Tâm.

2. Đinh Văn Hạnh (1999), Đạo Tứ Ấn Hiếu Nghĩa của người Việt Nam Bộ (0888672676), Nxb Trẻ.

3. Nguyễn Hữu Hiệp (1974), Tiền giảng Đức Phật Thầy Tây An, Nxb Diễm Chi.

4. Nguyễn Liên Phong (1909), Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Nxb Phát Toán.

5. Nguyễn Văn Kiềm (1966), Tân Châu (0888672676), Tác giả tự xuất bản.

6. Nguyễn Văn Sâm (2009), Kinh Năm Ông, Bản điện tử.

7. Sơn Nam (1971), Miền Nam đầu thế kỷ XX: Thiên Địa hội và cuộc Minh tân, Nxb Phù Sa.

8. Sơn Nam (1997), Cá tính Miền Nam, Nxb Trẻ.

9. Nguyễn Thanh Tiến (2005), Hội kín ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

10. Sư Vãi Bán Khoai (1949), Sấm giảng người đời, Bản photocopy.

11. Tạ Chí Đại Trường (2014), Thần, người và đất Việt, tái bản, Nxb Tri thức.

[external_footer]

See more articles in the category: Là ai

Leave a Reply