2 mẫu tiểu luận tố tụng dân sự | Traloitructuyen.com

Or you want a quick look: MỞ ĐẦU

Traloitructuyen.com cũng giúp giải đáp những vấn đề sau đây:

  • Luận văn to tụng dân sự
  • Tiểu luận án phí dân sự sơ thẩm
  • Tiêu luận điều kiện thụ lý vụ án dân sự 2015
  • Luận văn khởi kiện vụ an dân sự
  • Tiểu luận về chứng minh trong to tụng dân sự
  • Đề tài tiểu luận môn dân sự
  • Luận văn nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự
  • Tiểu luận đình chỉ giải quyết vụ an dân sự
 
 
 
 
 
 
 
Tiểu luận tố tụng dân sự

Tiểu luận tố tụng dân sự

Mẫu 1

Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

MỞ ĐẦU

Trong những người tham gia tố tụng hình sự theo quy định tại chương IV “Người tham gia tố tụng” Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003 thì người bào chữa là người có vị trí, vai trò và chức năng đặc biệt, đó là giúp người bị buộc tội về mặt pháp lý, kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm cho quá trình giải quyết vụ án hình sự được khách quan và đúng pháp luật. Sự tham gia của người bào chữa trong tố tụng hình sự là cần thiết và khách quan, trước hết là thực hiện nguyên tắc "bảo đảm quyền bào chữa cho bị can, bị cáo". Sự tham gia của người bào chữa trong tố tụng hình sự đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Chính vì vậy có thể nói rằng, trong tố tụng hình sự, sự tham gia của người bào chữa là rất cần thiết, nó có cả ý nghĩa về pháp lý và ý nghĩa xã hội. Xuất phát từ điều này mà trong Hiến pháp, pháp luật của nước ta nói chung và pháp luật tố tụng hình sự nói riêng luôn luôn có các quy định thể chế hoá quyền và nghĩa vụ của người bào chữa.

Hoàn thiện chế định về người bào chữa là yêu cầu cấp thiết của cải cách tư pháp hiện nay. Nghị quyết 49 ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 chỉ rõ: “xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng  theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh”. Chính vì vậy em đã lựa chọn đề bài số 3: “Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa trong tố tụng hình sự và việc hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bào chữa.” cho bài tập học kỳ môn Luật Tố tụng hình sự Việt Nam của mình. Bài làm của em có thể còn có nhiều thiếu sót nên em mong nhận được sự chỉ bảo từ các thầy cô để có thể hoàn thiện hơn kiến thức của bản thân về vấn đề này.

NỘI DUNG CHÍNH

I. Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa trong tố tụng hình sự.

1. Khái niệm người bào chữa theo quy định của BLTTHS.

Tuy BLTTHS 2003 không nêu khái niệm thế nào là người bào chữa, nhưng căn cứ vào quy định tại các điều 56, 57 và 58 BLTTHS năm 2003 thì người bào chữa là người tham gia tố tụng nhưng họ không có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án. Họ tham gia tố tụng là nhằm để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội. Người bào chữa không phải là người tiến hành tố tụng mà chỉ là người tham gia tố tụng. Chính vì vậy có nhiều cách hiểu khác nhau về người bào chữa. Trong khoa học pháp lý và thực tiễn tố tụng, có một số quan điểm cho rằng: “Người bào chữa là người giúp đỡ Tòa án trong việc xác định tất cả các tình tiết cần thiết về vụ án để cuối cùng Tòa án ra một bản án có căn cứ và đúng pháp luật”[1] hoặc là “Người bào chữa là người tham gia tố tụng để giúp đỡ Tòa án”[2].

Như vậy, có thể định nghĩa rằng người bào chữa trong tố tụng hình sự là người bào chữa là người được người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ, những người khác được người bị tạm giữ, bị can, bị cáo ủy quyền mời hay được cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử hoặc đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận để cử người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội, giúp người bị buộc tội về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, thông qua đó góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Điều 56 BLTTHS 2003 quy định người bào chữa có thể là: Luật sư; Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Bào chữa viên nhân dân.

a. Luật sư.

Là người hoạt động chuyên nghiệp tham gia trong một đoàn luật sư theo quy định của pháp luật. Điều 2 luật Luật sư năm 2006 cũng đưa định nghĩa: “Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng)”. Để trở được công nhận là một luật sư thì cá nhân phải đáp ứng các điều kiện như: là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư, đã được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một đoàn luật sư.(Điều 10 và điều 11 luật Luật sư năm 2006).

b. Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

BLTTHS không quy định rõ thế nào là “Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”. Tuy nhiên, có thể vận dụng điểm a khoản 1 Điều 58 Bộ Luật Dân Sự về giám hộ đương nhiên đối với người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) để hiểu người đại diện hợp pháp là: Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu. Hoặc người đại diện theo pháp luật bao gồm: Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Người giám hộ đối với người được giám hộ (Điều 141 BLDS).

Trong trường hợp có yêu cầu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định (chỉ định) người đại diện (Điều 140 BLDS). Người đại diện phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (khoản 5 Điều 139 BLDS).

c. Bào chữa viên nhân dân;

Là người được tổ chức, đoàn thể xã hội cử ra để bào chữa cho bị cáo. Hiện nay chưa có quy định cụ thể về bào chữa viên nhân dân và trong thực tế hoạt động của bào chữa viên nhân dân cũng không được tổ chức thành một hệ thống. Theo khoản 3 điều 57 của Bộ luật TTHS năm 2003 thì: " Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình ".

Đối với “bào chữa viên nhân dân” thì hệ thống pháp luật hiện hành không có văn bản nào quy định về chế định này, quy định “bào chữa viên nhân dân” là ai và tiêu chuẩn để trở thành một “bào chữa viên nhân dân” là như thế nào. Trong thực tế bào chữa viên nhân dân thường là người của các tổ chức đoàn thể đứng ra bào chữa cho thành viên của tổ chức mình như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ.... Điều kiện để trở thành bào chữa viên nhân dân tuy không được pháp luật quy định nhưng tối thiểu cũng phải đáp ứng được một số điều kiện cơ bản như: là công dân Việt Nam, có tư cách đạo đức tốt, đã thành niên, không bị nhược điểm về thể chất và tâm thần, có năng lực hành vi đầy đủ, có trình độ hiểu biết…vv.

Trong tố tụng hình sự, người bào chữa là người tham gia tố tụng được đặt bên cạnh những người bị buộc tội như bị can, bị cáo. Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa luôn luôn gắn liền với quyền của bị can, bị cáo. Khi tham gia tố tụng, người bào chữa có nhiệm vụ làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án và đưa ra những chứng cứ, lý lẽ để gỡ tội cho thân chủ mình, cùng thân chủ hợp thành một bên tranh tụng.

Để người bào chữa thực hiện chức năng làm sáng tỏ những tình tiết gỡ tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo và giúp đỡ bị can, bị cáo về mặt pháp lý BLTTHS năm 2003 đã quy định đầy đủ và cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, cụ thể như sau:

2. Quyền của người bào chữa trong tố tụng hình sự.

Theo điều 19 BLTTHS năm 2003, người bào chữa có quyền bình đẳng với kiểm sát viên trong một vụ án hình sự trong việc đưa ra các tài liệu, chứng cứ ở giai đoạn tranh luận tại phiên tòa nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Bộ luật này. Trong trường hợp cần phải giữ bí mật điều tra đối với tội đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng VKS quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. Đặc biệt trong các trường hợp bắt người khẩn cấp và bắt người phạm tội quả tang thì người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ.

Tại khoản 2 điều 58 BLTTHS năm 2003 quy định người bào chữa có các quyền sau:

- Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa.

Việc người bào chữa được quyền có mặt trong các hoạt động điều tra có ý nghĩa quan trọng. Khi có mặt người bào chữa, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo sẽ ổn định về mặt tâm lý hơn, những người tiến hành các hoạt động điều tra thận trọng, tuân thủ pháp luật hơn. Người bào chữa theo dõi được quá trình điều tra và tình hình chứng cứ điều đó có ý nghĩa rất lớn cho việc chuẩn bị lời bào chữa và tham gia tranh tụng của họ sau này tại phiên tòa. Người bào chữa có quyền hỏi người bị tạm giữ, bị can khi điều tra viên đồng ý để làm sáng tỏ những tình tiết có lợi cho người bị tạm giữ, bị can. Khi tham gia các hoạt động điều tra, xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa, nếu phát hiện những vi phạm pháp luật, người bào chữa có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền.

- Đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can.

- Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2003. Người bào chữa có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch nếu có các căn cứ quy định tại điều 42 và điều 46 của Bộ luật TTHS và xét thấy việc những người này tiến hành tố tụng hoặc tham gia tố tụng có thể làm ảnh hưởng không tốt đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mà mình bào chữa.

- Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác.

- Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu: người bào chữa có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật yêu cầu theo hướng có lợi cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Người bào chữa cũng có quyền đưa ra yêu cầu như triệu tập thêm người làm chứng, trưng cầu giám định nếu xét thấy điều đó là cần thiết và có lợi cho người được bào chữa. Cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu của người bào chữa.

- Gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam: Người bào chữa phải thường xuyên gặp gỡ trao đổi, tiếp xúc với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để có thể nắm được đầy đủ các tình tiết cảu vụ án, các đặc điểm nhân thân và diễn biến tâm lý, tâm tư, nguyện vọng của người được bào chữa. Trên cơ sở đó, người bào chữa mới thu được những tình tiết gỡ tội, giảm nhẹ tội để bào chữa cho những người này. Qua gặp gỡ, trao đổi, người bào chữa giải thích những vấn đề pháp luật và cũng có thể tác động đến người bị tạm giữ, bị can, bị cáo làm cho họ có thái độ khai báo tốt hơn để có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

READ  Bài tiểu luận: Kế toán tài chính

- Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật.

Qua việc đọc và ghi chép hồ sơ vụ án, người bào chữa nắm được nội dung của vụ án, nắm được những chứng cứ buộc tội cũng như gỡ tội đối với người được bào chữa, trên cơ sở đó người bào chữa chuẩn bị cho việc bào chữa, tham gia tranh tụng tại phiên tòa. Qua việc đọc hồ sơ, tài liệu vụ án, người bào chữa cũng có điều kiện để phát hiện những sai lầm, thiếu sót, vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra trên cơ sở đó đưa ra những yêu cầu, khiếu nại cần thiết đối với cơ quan có thẩm quyền.

- Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa: tại phiên tòa xét xử vai trò của người bào chữa được thể hiện rõ nét nhất. Người bào chữa có quyền hỏi bị cáo và những người khác về những vấn đề của vụ án để có được những câu trả lời theo hướng có lợi cho bị cáo. Khi tranh luận, người bào chữa phải phân tích, lập luận, đưa ra những lý lẽ để bảo vệ bị cáo và bác bỏ những lời buộc tội bị cáo.

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

- Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 của Bộ luật TTHS năm 2003. Đây là quyền độc lập của người bào chữa, người bào chữa kháng cáo không phụ thuộc ý chí của bị cáo cũng như đại diện hợp pháp của bị cáo. Kháng cáo của người bào chữa phải theo hướng có lợi cho bị cáo.

3. Nghĩa vụ của người bào chữa trong tố tụng hình sự.

Bên cạnh việc bảo đảm các quyền cho người bào chữa khi tham gia tố tụng thì tại khoản 3 Điều 58 của BLTTHS năm 2003 còn quy định nghĩa vụ của người bào chữa, là phải sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị can, bị cáo tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng. Đặc biệt, Bộ luật này còn quy định người bào chữa không được xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật và không được tiết lộ các bí mật về hoạt động điều tra mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa...

Người bào chữa trong tố tụng hình sự có những nghĩa vụ nhất định, khoản 3 điều 58 BLTTHS năm 2003 quy định cho người bào chữa các nghĩa vụ sau:

- Nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Tùy theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, thì người bào chữa có trách nhiệm giao cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án. Việc giao nhận tài liệu, đồ vật đó giữa người bào chữa và cơ quan tiến hành tố tụng phải được lập biên bản theo quy định tại điều 95 của bộ luật TTHS năm 2003.

- Nghĩa vụ giúp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

- Nghĩa vụ không được từ chối bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can. bị cáo mà mình bào chữa, nếu không có lý do chính đáng.

- Nghĩa vụ tôn trọng sự thật và pháp luật; nghĩa vụ không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật;

- Nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của tòa án; nghĩa vụ không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa;

- Nghĩa vụ không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Người bào chữa làm trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (khoản 4 điều 58 Bộ luật TTHS).

III. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bào chữa.

Hiện nay, Nhà nước ta đang tiến hành cải cách tư pháp, hướng tới mục tiêu củng cố và hoàn thiện bộ máy các cơ quan tư pháp, hoàn thiện pháp luật về nội dung và pháp luật về hình thức - cơ sở pháp lí của hoạt động tư pháp, nâng cao hiệu quả của quá trình giải quyết các tranh chấp, kinh tế, dân sự, lao động, hành chính và các vụ án hình sự, bảo vệ có hiệu quả quyền con người. Hiệu quả của hoạt động tư pháp quyết định bởi nhiều yếu tố trong đó có vai trò của luật sư. Nhận rõ điều này, ngày 02/01/2002 Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 08/NQTƯ về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp. Nghị quyết chỉ rõ cần phải nâng cao hiệu  quả của các phiên toà xét xử  "khi xét xử, các toà án phải đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự  dân chủ, khách quan; việc phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa... để ra bản án, quyết định  đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định".

Trong 15 điều của Chương III về “Người tiến hành tố tụng”, chỉ có 1 điều quy định về trách nhiệm của Cơ quan tiến hành tố tụng giải thích và bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. Từ khi những quy định này được sửa đổi bổ sung những quy định cũ còn thiếu và chưa đầy đủ của BLTTHS 1988 nhằm nâng cao vị thế và vai trò của người bào chữa trong tố tụng hình sự nhưng thực tế còn nhiều bất cập do không có cơ chế đảm bảo giám sát thực thi những quy định này của luật. Thực tế hơn 5 năm thi hành Bộ luật TTHS nhưng cho đến nay các ngành hữu quan vẫn chưa ban hành được một thông tư liên tịch để đảm bảo sự hướng dẫn thống nhất trong qúa trình thực thi luật mặc dù nhà nước cũng đã phải bỏ ra nhiều tiền bạc chi phí cho các cuộc Hội thảo để bàn về dự thảo thông tư liên tịch này nhưng không thành. Từ thực tế ấy, tiến tới góp ý cho việc sửa đổi Bộ luật lần này, cần có quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan THTT và người THTT, theo đó quyền của luật sư và những người tham gia tố tụng khác sẽ được quy định cụ thể hơn và có tính pháp lý bắt buộc cao hơn.

Với những quy định mới về người bào chữa trong BLTTHS năm 2003, đặc biệt là việc quy định người bào chữa được tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra được thực hiện nghiêm túc và triệt để sẽ góp phần làm cho việc điều tra - truy tố - xét xử được đúng người, đúng tội bảo đảm tính dân chủ, khách quan và công minh của pháp luật.

1. Hoàn thiện các quy định về người bào chữa trong tố tụng hình sự.

Về mặt pháp lý, bào chữa viên nhân dân và Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là một chủ thể tư pháp có tư cách của người bào chữa trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên cho đến nay trong lý luận pháp lý và thực tiễn tố tụng hình sự vẫn chưa có khái niệm chính thức và thống nhất và thống nhất về người bào chữa. Đồng thời, những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về phạm vi những người tham gia tố tùng với tư cách người bào chữa còn giới hạn. Hơn nữa, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau nên người bào chữa trong thực tiễn tố tụng hình sự hiện nay chủ yếu là luật sư, còn bào chữa viên nhân dân và người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo chỉ tồn tại trong pháp luật thực định.

Cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự và làm rõ người đại diện hợp pháp của bị cáo trong tố tụng hình sự là những đối tượng nào để tạo điều kiện cho quy định đó được thi hành trong thực tiễn tố tụng hình sự. Đồng thời cũng cần khôi phục lại chế định Bào chữa viên nhân dân.

Phạm vi của những người có quyền tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cũng cần được mở rộng hơn mà không chỉ giới hạn trong khuôn khổ của Điều 35 BLTTHS hiện hành. Các điều kiện cần có của một người bào chữa là: có nhân thân tốt, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có bằng cử nhân Luật, được tín nhiệm của bị can, bị cáo và sự chấp thuận của cơ quan tiến hành tố tụng.

2. Hoàn thiện các quy định về thời điểm tham gia tố tụng của người bào chữa.

Khoản 1 điều 58 BLTTHS 2003 quy định: "Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can". Mặc dù luật quy định như vậy nhưng trong hầu hết các vụ án,  luật sư  bào chữa chưa được tham gia tố tụng từ giai đoạn này bởi nhiều lý do khác nhau trong đó có sự suy nghĩ của một số điều tra viên là sự tham gia của luật sư từ giai đoạn khởi tố bị can sẽ gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ. Thậm chí có điều tra viên còn cho rằng, nếu tham gia từ giai đoạn này người bào chữa sẽ bày đặt cho bị can khai không đúng hoặc giấu tội... Do đó, sự tham gia của người bào chữa bị gây khó dễ khiến cho không ít người bào chữa đành bỏ dở. Việc tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can không được bảo đảm nên đã dẫn tới việc thực hiện các quyền khác của họ trong giai đoạn điều tra là rất khó khăn.

Về thời điểm được tham gia tố tụng của người bào chữa trong BLTTHS năm 2003 còn có  hạn chế khi chỉ cho người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra trong những trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với những tội xâm phạm an ninh quốc gia. Như chúng ta biết, những tội xâm phạm an ninh quốc gia thường là những tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, là những vụ án rất phức tạp nên nếu để người bào chữa tham gia từ khi kết thúc điều tra thì khả năng bào chữa của họ sẽ bị hạn chế rất lớn, họ không có khả năng thu thập chứng cứ hoặc không thể thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh sự vô tội, để làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo và điều này có thể dẫn tới khả năng giải quyết vụ án thiếu khách quan hay không công bằng. Mặt khác, nếu xét về lý luận thì khi hạn chế sự tham gia sớm của người bào chữa trong những vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, chúng ta đã không tuân thủ nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Còn nếu vì lý do sợ người bào chữa làm lộ bí mật điều tra, bí mật quốc gia mà không cho họ tham gia sớm hơn thì điều này lại chứng tỏ rằng họ chưa được tin tưởng vào khả năng xử lý trách nhiệm đối với người bào chữa khi họ vi phạm quy định của pháp luật hình sự về trách nhiệm hình sự của người bào chữa.

3. Thay đổi quy định về sự vắng mặt của người bào chữa trong trường hợp người bào chữa không thể có mặt tại phiên tòa xét xử.

Trường hợp không bắt buộc phải có người bào chữa, nếu người bào chữa không thể có mặt tại phiên toà xét xử, thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử bình thường. Chỉ có một cách duy nhất thực hiện quyền và nghĩa vụ bào chữa cho bị cáo, đó là người bào chữa gửi trước bản bào chữa cho Toà án. Theo nhiều người làm việc trong các cơ quan pháp luật, quy định trên của Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) đã hạn chế quyền được có người bào chữa tại phiên toà của bị cáo.

Trên thực tế, người bào chữa không phải lúc nào cũng có thể chủ động sắp xếp lịch tham gia các phiên toà hình sự. Việc trùng lịch phiên toà ốm, hay công việc đột xuất... khiến người bào chữa không thể tham gia phiên toà được. Vì vậy, quy định tại Điều 190 BLTTHS đã trở thành một trở ngại để đảm bảo quyền của người bào chữa và bị cáo. Nên chăng, quy định về trường hợp vắng mặt của người bào chữa trong BLTTHS sửa đổi theo hướng tương tự như quy định về trường hợp vắng mặt của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong Bộ Luật Tố tụng dân sự (vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà).

4. Hoàn thiện quy định về việc cấp giấy chứng nhận bào chữa trong hoạt động tố tụng.

Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lí do. Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lí do. Giấy chứng nhận bào chữa phải được lưu trong hồ sơ vụ án như một tài liệu chính thức để tòa án cấp trên kiểm tra tòa án cấp dưới. Đây là điểm mới của bộ luật TTHS năm 2003, quy định về nghĩa vụ xem xét, cấp giấy chứng nhận bào chữa của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án; quy định thời hạn cụ thể của việc xem xét cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Quy định này có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

READ  TIỂU LUẬN: Xây dựng một quy trình tổ chức sự kiện phù hợp với tình hình của các - Tài liệu text

5. Hoàn thiện quy định về vấn đề từ chối người bào chữa.

Việc không phân biệt quyền từ chối người bào chữa của hai nhóm đối tượng được quy định tại điểm a (Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự) và điểm b (Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) khoản 2 điều 57 BLTTHS năm 2003 là chưa hoàn toàn hợp lý bởi đối tượng được quy định tại điểm a hoàn toàn khác với đối tượng quy định tại điểm b.

Những đối tượng được quy định tại điểm a nhận thức được đúng đắn và đầy đủ hành vi từ chối người bào chữa của mình và họ biết được khả năng và hậu quả có thể xẩy ra khi họ từ chối người bào chữa. Và vì vậy để cho họ có quyền chủ quan tuyệt đối từ chối người bào chữa là hợp lý. Còn những đối tượng được quy định tại điểm b là những đối tượng chưa đủ trình độ phát triển về thể chất cũng như tinh thần hoặc là những người bị khiếm khuyết về thể chất hoặc khiếm khuyết về tâm thần. Khó có thể chắc chắn rằng họ có nhận thức được đầy đủ và đúng đắn về hành vi từ chối người bào chữa của mình hay không và họ có thể hiểu được những hậu quả có thể xảy ra khi họ từ chối người bào chữa không?

Vì vậy cần phải phân biệt quyền từ chối người bào chữa của hai nhóm đối tượng này một cách rạch ròi hơn. Nên cho đối tượng được quy định tại điểm a có quyền từ chối người bào chữa như quy định của pháp luật hiện hành còn nhóm đối tượng được quy định tại điểm b thì tuỳ từng trường hợp mà cơ quan tiến hành tố tụng quyết định cho họ có quyền từ chối hay không được từ chối người bào chữa. Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung đoạn 2 khoản 2 Điều 57 BLTTHS năm 2003 như sau: “Những trường hợp được quy định tại điểm a khoản 2 điều này bị can, bị cáo vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Còn đôi với những trường hợp được quy định tại điểm b khoản 2 điều này thì bị can, bị cáo và đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi người bào chữa và nếu họ từ chối người bào chữa thì tùy từng trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải làm rõ lý do từ chối trước khi quyết định”.

6. Hoàn thiện một số quy định về quyền của người bào chữa.

- Thứ nhất là sự tham gia của người bào chữa trong các buổi hỏi cung bị can là rất cần thiết và hợp lý. Vì vậy, nên bổ sung vào điểm a Điều 58 BLTTHS quy định “Đối với những người bào chữa tham gia theo quy định của điểm b khoản 2 Điều 57 Bộ luật này thì có quyền có mặt trong tất cả các buổi hỏi cung bị can”.

- Thứ hai là tại điểm e của Điều 58 BLTTHS có quy định quyền gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam của người bào chữa thì người viết cho rằng ở đây cần quy định rõ là được gặp riêng và không bị hạn chế về số lượng lần gặp và thời gian gặp chứ không phải quy định chung chung là được gặp để tránh những sự gây khó khăn từ phía cơ quan và người thi hành tố tụng chỉ cho gặp một cách hình thức và hạn chế thời gian được gặp.

KẾT LUẬN

Mục đích quan trọng của việc sửa đổi BLTTHS 2003 lần này là đề cao trách nhiệm và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và người tiến hành tố tụng, nhất là xác định trách nhiệm cụ thể của từng chức danh tố tụng, phân định rõ thẩm quyền hành chính và thẩm quyền tố tụng nhằm nâng cao trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng, đồng thời xác định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, trong đó có người bào chữa.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2007, 2008.

Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. ĐH Quốc gia Hà Nội, 2001.

Bố luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003.

Luật luật sư năm 2006.

Pháp lệnh luật sư năm 2001.

Người bào chữa trong tố tụng hình sự, đăng trên tạp chí Khoa học pháp luật số tháng 1/2001, Thạc sĩ Trần Văn Bảy – ĐH Luật TP.HCM.

Về sự tham gia của người bào chữa vào quá trình tố tụng hình sự theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Nguyễn Duy Hưng, Tiến sĩ, GV Khoa Luật Hình sự - ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh.

Website: www.luathoc.net.

[1] M.Chen – Txôp M.A, Luật sư trong tố tụng hình sự Xô Viết, M. 1954, trang 53.

[2] Ngô Hướng Đàm, Về quyền bào chữa của bị can, bị cáo ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tạp chí Luật học số 03 năm 1977.

Mẫu 2

MỞ BÀI

Điều 50 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rằng: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy đinh trong Hiến pháp và Luật”. Quyền công dân được bảo đảm bằng sự cưỡng chế của Nhà nước. Để bảo hộ cho các quyền dân sự của các chủ thể, Nhà nước quy định nhiều biện pháp, cách bảo vệ khác nhau, nhưng đặc biệt có biện pháp khởi kiện vụ án dân sự theo trình tự tố tụng dân sự. Trong bài tập học kì, em xin trình bày vấn đề: “Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.”

THÂN BÀI

  1. Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự:

Khởi kiện vụ án dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc các chủ thể khác có quyền dân sự bị xâm phạm có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm quyền dân sự phải chấm dứt hành vi trái pháp luật hoặc phải bổi thường thiệt hại hoặc phải chịu chế tài phạt vi phạm…Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án dân sự khi có đơn khởi kiện của các chủ thể. Điều 161 BLTTDS không chỉ ghi nhận quyền khởi kiện dân sự mà còn quy định các điều kiện về thủ tục khởi kiện, yêu cầu khởi 

kiện.

  1. Về chủ thể khởi kiện:

Điều 161 BLTTDS quy định:“Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp phá kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.” Chủ thể khởi kiện vụ án dân sự là các chủ thể theo quy định của pháp luật được tham giam vào quan hệ pháp luật TTDS. Các chủ thể này bao gồm cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức đáp ứng được những điều kiện do pháp luật quy định. Cá nhân khi khởi kiện vụ án dân sự phải có năng lực hành vi TTDS đồng thời phải có quyền lợi bị xâm phạm.

Đối với những cá nhân không có năng lực hành vi tố tụng mà có quyền lợi cần phải được bảo vệ thì họ không thể tự mình khởi kiện vụ án được mà phải do người đại diện thay mặt để thực hiện việc khởi kiện vụ án. Pháp luật cũng đòi hỏi cá nhân khi khởi kiện vụ án dân sự phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm (Điều 161 BLTTDS). Quy định này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc tự định đoạt trong TTDS, nó không cho phép người không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật lợi dụng quyền khởi kiện để rồi lại xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Cá nhân khi đã có năng lực chủ thể đầy đủ thì có thể tự mình khởi kiện hoặc làm giấy ủy quyền cho một người khác có năng lực hành vi thay mặt mình khởi kiện, trừ việc ly hôn.

Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Các cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp bị xâm phạm hoặc tranh chấp. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức còn khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của pháp luật. Ngoài những trường hợp các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác được khởi kiện những vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định tại các Điều 55, Điều 66 LHN&GĐ, BLTTDS còn quy định các cơ quan, tổ chức khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách (Điều 162). Để có nhận thức thống nhất về các loại cơ quan, tổ chức được khởi kiện vụ án dân sự cần có sự phân biệt như sau:

- Các bộ phận, đơn vị, văn phòng đại diện của các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước không phải là pháp nhân, không có quyền khởi kiện vụ án dân sự.

- Các tổ chức quy định trong Điều 1 BLTTDS bao gồm các tổ chức có tư cách pháp nhân và các tổ chức không có tư cách pháp nhân. Các tổ chức không có tư cách pháp nhân được khởi kiện vụ án dân sự phải là những tổ chức được pháp luật quy định có quyền tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

  1. Vụ án được khởi kiện phải thuộc thẩm quyền của Tòa án:

Tòa án chỉ thụ lý vụ án dân sự đối với những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Việc xác định thẩm quyền là một điều kiện cần thiết để đảm bảo cho hoạt động bình thường và hợp lý của bộ máy nhà nước. Đồng thời việc phân định thẩm quyền giữa các Tòa án cũng góp phần cho các Tòa án thực hiện đúng nhiệm vụ của mình và người dân dễ dàng thực hiện quyền khởi kiện. Thẩm quyền của Tòa án được xác định một cách chính xác sẽ tránh được sự chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ của Tòa án với các cơ quan nhà nước khác, giữa các Tòa án và các bộ phận trong một Tòa án, góp phần giải quyết đúng đắn, tạo điều kiện cho các đương sự tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để vụ án được thụ lý, đơn khởi kiện phải gửi đến đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết, xét xử. Cụ thể là:

- Vụ án mà chủ thể khởi kiện thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại các Điều 25, 27, 29 và 31 BLTTDS.

-  Vụ án được khởi kiện phải đúng với cấp tòa án có thẩm quyền quy định tại Điều 33, 34 BLTTDS.

- Vụ việc được khởi kiện đúng thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ quy định tại Điều 35 BLTTDS. 

- Trong trường hợp người khởi kiện có quyền lựa chọn Tòa án theo Điều 36 BLTTDS thì yêu cầu đương sự cam kết không khởi kiện tại các tòa án khác. Nếu do thỏa thuận lựa chọn Tòa án giải quyết thì phải kiểm tra tính hợp pháp của thỏa thuận.

- Đối với những việc pháp luật quy định phải yêu cầu cơ quan khác gaiải quyết trước thì chủ thể khởi kiện chỉ được khởi kiện vụ án khi các cơ quan hữu quan đã giải quyết mà họ không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan đó. 

Khi xác định thẩm quyền, Tòa án cũng phải xác định đó là loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại hay lao động để vào sổ thụ lý loại án đúng với quy định. Việc xác định này có ý nghĩa rất lớn khi xác định các quy phạm pháp luật nội dung để áp dụng. Chẳng hạn nếu đó là tranh chấp về hôn nhân và gia đình sẽ áp dụng các quy định trong LHNGĐ, BLDS... Nếu là tranh chấp lao động sẽ áp dụng BLLĐ...

  1. Vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện:

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà các chủ thể có quyền khởi kiện được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động để bảo vệ quyền lợi ích bị xâm phạm. Hết thời hạn đó thì chủ thể khởi kiện mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo quy định tại Điều 160 BLDS năm 2005, riêng đối với yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc sở hữu nhà nước; yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Quy định thời hiệu khởi kiện góp phần quan trọng vào việc ổn định các quan hệ kinh tế – xã hội, hạn chế việc lạm dụng quyền khởi kiện. Tùy thuộc vào tính chất của mỗi loại tranh chấp pháp luật quy định thời hiệu.

Trên thực tế có nhiều nguyên nhân khách quan mà việc khởi kiện không được thực hiện trong thời hạn quy định. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ, pháp luật quy định không tính vào thời hiệu khởi kiện khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng; trở ngại khách quan; người có quyền khởi kiện chưa thành niên, bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà chưa có người đại diện; người đại diện của họ bị chết mà chưa có người thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện (Điều 161 BLTTDS 2004)

READ  Cấu trúc bài tiểu luận kế toán - Tổng hợp các đề tài tiểu luận kế toán mới nhất | Traloitructuyen.com

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được quy định cụ thể trong BLDS năm 2005, Luật Thương mại năm 2005, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLLĐ năm 2006. Theo Điều 159 BLTTDS đối với những tranh chấp mà trong văn bản quy phạm pháp luật không quy định thời hiệu khởi kiện thì áp dụng quy định tại khoản 3 Điều này “thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết các vụ án dân sự là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm”.

  1. Sự việc chưa được giải quyết bằng một bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật:

Nếu sự việc đã được tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết bằng một bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự không được khởi kiện lại đối với vụ án đó nữa, trừ các trường hợp sau đây:

- Bản án, quyết định của tòa án bác đơn xin ly hôn;

- Yêu cầu xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại;

- Vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà tòa án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện.

- Các trường hợp khác pháp luật quy định.

Ngoài ra, trường hợp Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c, e và g khoản 1 Điều 92 BLTTDS bao gồm: người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện; nguyên đơn được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt; đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã (khoản 1 Điều 193 BLTTDS) thì đương sự có quyền khởi kiện lại. 

Tòa án chỉ được thụ lý giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật. Điều kiện này nhằm đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định, sự ổn định của các quan hệ xã hội, một việc đã được giải quyết thì không giải quyết lại nữa để tránh tình trạng chồng chéo cùng một sự việc mà nhiều cơ quan giải quyết và tránh việc cố tình kéo dài việc khiếu kiện của 

đương sự.

2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về điều kiện khởi kiện vụ án dân sự:

a.Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tổ chức cán bộ:

- Để những quy định về quyền khởi kiện được thực thi trên thực tế, Đảng và Nhà nước cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như hoàn thiện chế định quyền khởi kiện hiện hành. Đối với các đương sự, nhiều người do không hiểu biết đầy đủ quy định của pháp luật nên không thực hiện đúng được các quyền, nghĩa vụ TTDS của họ. Trên thực tế, đã không ít trường hợp đương sự khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự không đúng thẩm quyền của Tòa án nên đã bị trả lại đơn khởi kiện. Trong nhiều vụ việc dân sự, đương sự không thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ trong việc cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình nên yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Trong điều kiện dân trí nước ta còn hạn chế như hiện nay, để người dân hiểu biết pháp luật và xác định đúng được tư cách bị đơn trong một số trường hợp rất khó khăn. Vì vậy, cần có sự quan tâm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng như các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

 Trên cơ sở các quy định pháp luật, chúng ta nên quan tâm hơn nữa đến vấn đề phổ biến pháp luật ở cơ sở. Cụ thể là công tác đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn có năng lực cũng như trình độ để hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến vấn đề khởi kiện, giúp cho họ thực hiện tốt quyền khởi kiện của mình, khởi kiện đúng bị đơn theo quy định của pháp luật. Tiếp theo là công tác đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ tư pháp trong bộ phận tiếp nhận hồ sơ ở Tòa án. Đây là một trong những khâu khá quan trọng trong quá trình thực hiện quyền khởi kiện của người dân. Có như vậy, quyền khởi kiện của người dân và vấn đề xác định tư cách đương sự mới được thực hiện triệt để ngay từ khâu đầu tiên là thụ lý vụ án.

- Từ thực tiễn cho thấy, việc xác định sai tư cách nguyên đơn dân sự chủ yếu do lỗi của các Thẩm phán, không thận trọng trong việc xác định quyền khởi kiện của người khởi kiện. Để xác định đúng nguyên đơn trong vụ án dân sự cụ thể thì các Thẩm phán phải nghiên cứu kĩ đơn khởi kiện cũng như các tài liệu, chứng cứ mà người khởi kiện đưa ra để chứng minh cho yêu cầu đó của họ là có căn cứ và hợp pháp. Qua đó đối chiếu với pháp luật nội dung để xem xét họ có quyền khởi kiện hay không.

b.Sửa đổi, bổ sung pháp luật về điều kiện về chủ thể khởi kiện:

- Về nguyên tắc, nguyên đơn phải là chủ thể được giả thiết có quyền lợi bị tranh chấp hay vi phạm, ngoài ra luật thực định thừa nhận quyền khởi kiện vụ án dân sự của các cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh mình phụ trách và tư cách nguyên đơn của các chủ thể . Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan Dân số -gia đình và trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu hủy hôn nhân trái luật giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, hôn nhân vi phạm độ tuổi hoặc chế độ một vợ, một chồng (ngay cả khi người được bảo vệ khước từ quyền được bảo vệ) thì thực chất việc thực hiện quyền yêu cầu của các cơ quan này là vì lợi ích của pháp luật. Theo pháp luật hiện hành thì những chủ thể này là người đại diện hợp pháp của đương sự chứ không phải là nguyên đơn. Do vậy, theo em nghĩ, nên sửa đổi pháp luật theo hướng quy định các cơ quan tổ chức khởi kiện để duy trì trật tự của pháp luật cũng được coi là nguyên đơn dân sự.

c.Hoàn thiện điều kiện về thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

- Thực tiễn cho thấy do không hiểu biết về pháp luật nên tình trạng người đi khởi kiện đã xác định và khởi kiện không đúng người mà mình có quyền khởi kiện theo quy dịnh của pháp luật là phổ biến. Trong những trường hợp đặc biệt này thì vai trò đôn đốc và hướng dẫn thủ tục tố tụng của Tòa án là hết sức cần thiết. Do vậy thiết nghĩ nên bổ sung vào BLTTDS một quy định theo hướng là khi nhận đơn khởi kiện thì bên cạnh việc kiểm tra các điều kiện thụ lý, Tòa án có thể định hướng cho nguyên đơn xác định lại chủ thể mà họ có quyền khởi kiện. Việc định hướng của Tòa án sẽ tránh được thời gian giải quyết vụ kiện bị kéo dài và các tổn phí tố tụng không đáng có mà nguyên đơn phải gánh chịu do hậu quả của việc xác định không đúng bị đơn trong vụ kiện.

d.Hoàn thiện pháp luật về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự:

- Các quy định về thời hiệu khởi kiện trong pháp luật nước ta hiện nay khá rắc rối, không tập trung tại một văn bản cụ thể, thống nhất mà dàn trải ở nhiều văn bản khác nhau, gây khó khăn cho người dân trong việc tìm hiểu vụ việc của mình. Việc xác định mốc thời điểm bắt đầu tính thời hiệu hiện nay, luật cũng quy định khác nhau, trong pháp luật dân sự, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa giải quyết là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; thời hiệu giải quyết việc chia thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế; về tranh chấp lao động, thời hiệu khởi kiện là một năm kể từ ngày mỗi bên tranh chấp thấy rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm...

Theo em, nên xác định mốc bắt đầu tính thời hiệu nên có quy định lại là từ ngày đương sự nhận biết hoặc buộc phải nhận biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm như quy định của pháp luật về lao động là hay hơn, bởi trên thực tế không phải lúc nào người dân cũng nhận biết được quyền lợi của mình bị xâm phạm. Đến khi họ biết để nhờ pháp luật xử lý thì đã hết thời hiệu khởi kiện.

  1. KẾT BÀI

Việc đề cập đến điều kiện khởi kiện vụ án dân sự không chỉ định hướng cho quá trình giải quyết vụ án dân sự được nhanh chóng, đúng đắn mà còn đảm bảo cho quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng khác của BLTTDS diễn ra thuận tiện. Ngoài ra điều này cũng góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành.  

Trên đây là bài tập học kì của em, do sự hiểu biết còn hạn chế, em mong thầy cô giáo giúp đỡ em khắc phục và hoàn thiện. Em xin chân thành cảm ơn.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật tố tụng Dân sự, Nxb.CAND, Hà Nội - 2009.
  2. Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2004.
  3. Nghị quyết 02/2006/NQ – HĐTP ngày 12/05/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “ Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm của BLTTDS”
  4. Ths. Liêu Thị Hạnh, Luận văn Thạc sĩ Luật học “Thụ lý vụ án dân sự, một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
  5. Phùng Thị Tuyết Trinh, khóa luận tốt nghiệp “Quyền yêu cầu và thay đổi yêu cầu của đương sự trong tố tụng dân sự” năm 2010
  6. Đặng Anh Tuấn, Khoá luận tốt nghiệp “Quyền khởi kiện và việc xác định tư cách đương sự trong tố tụng dân sự”, Hà Nội, 2010.
  7. Luật gia Nguyễn Thị Hằng Nga, Một số quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự và những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

49 Đề Tài Luận Văn, Tiểu Luận, Khóa Luận Ngành Luật Tố Tụng Dân Sự

  1. Phạm vi chứng minh của đương sự trong tố tụng dân sự.
  2. Phạm vi chứng minh của Tòa án trong tố tụng dân sự.
  3. Phạm vi xét xử của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc dân sự.
  4. Quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn trong tố tụng dân sự.
  5. Quyền, nghĩa vụ của bị đơn trong tố tụng dân sự.
  6. Quyền, nghĩa vụ của Tòa án trong tố tụng dân sự.
  7. Người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự.
  8. Tranh tụng và tranh luận trong tố tụng dân sự.
  9. Phạm vi định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự.
  10. Quyền, nghĩa vụ của người đại diện trong tố tụng dân sự.
  11. Quyền, nghĩa vụ của người làm chứng trong tố tụng dân sự.
  12. Quyền, nghĩa vụ của người giám định trong tố tụng dân sự.
  13. Quyền, nghĩa vụ của người phiên dịch trong tố tụng dân sự.
  14. Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự trong tố tụng dân sự.
  15. Quyền rút yêu cầu của đương sự trong tố tụng dân sự.
  16. Thẩm quyền sơ thẩm theo cấp Tòa án.
  17. Thẩm quyền sơ thẩm theo lãnh thổ trong tố tụng dân sự.
  18. Thẩm quyền sơ thẩm theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu.
  19. Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự.
  20. Trình tự thụ lý vụ án dân sự.
  21. Người phải chịu án phí sơ thẩm dân sự.
  22. Thủ tục hòa giải vụ án dân sự.
  23. Kê biên tài sản đang tranh chấp trong tố tụng dân sự.
  24. Nguyên tắc bảo đảm sự vô tư, khách quan trong tố tụng dân sự.
  25. Nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự.
  26. Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử.
  27. Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự.
  28. Nguyên tắc giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng.
  29. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Tòa án trong tố tụng dân sự.
  1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án trong tố tụng dân sự.
  2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong tố tụng dân sự.
  3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm Tòa án trong tố tụng dân sự.
  4. Nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm tra viên Tòa án trong tố tụng dân sự.
  5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự.
  6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong tố tụng dân sự.
  7. Trách nhiệm do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.
  8. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.
  9. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.
  10. Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.
  11. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
  12. Cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng.
  13. Hoãn phiên tòa sơ thẩm dân sự.
  14. Tranh tụng tại phiên tòa.
  15. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn.
  16. Tính chất của giám đốc thẩm, tái thẩm.
  17. Thẩm quyền giám đốc thẩm.
  18. Phiên họp giải quyết việc dân sự.
  19. Thủ tục giải quyết đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
  20. Công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án.

Traloitructuyen.com cũng giúp giải đáp những vấn đề sau đây:

  • Luận văn to tụng dân sự
  • Tiểu luận án phí dân sự sơ thẩm
  • Tiêu luận điều kiện thụ lý vụ án dân sự 2015
  • Luận văn khởi kiện vụ an dân sự
  • Tiểu luận về chứng minh trong to tụng dân sự
  • Đề tài tiểu luận môn dân sự
  • Luận văn nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự
  • Tiểu luận đình chỉ giải quyết vụ an dân sự
See more articles in the category: Tiểu luận